Tiếng Việt | English

21/01/2020 - 07:13

Khởi sắc xóm Lò Gạch

Phát huy truyền thống anh hùng, cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chung sức xây dựng quê hương đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới. Về xã Long Hiệp anh hùng hôm nay, bộ mặt nông thôn hoàn toàn khởi sắc, với kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Tự hào truyền thống anh hùng

Nhắc đến “chiếc nôi” cách mạng ở Bến Lức, nhiều người nghĩ đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà và lò gạch Võ Công Tồn (ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp). Nơi đây, nhà yêu nước Võ Công Tồn sản xuất và kinh doanh gạch ngói tạo nguồn tài chính cung cấp cho Đảng, là cơ sở tin cậy của Đảng bộ Chợ Lớn, Xứ ủy Nam kỳ và các phong trào yêu nước trước năm 1945. Đặc biệt, khu lò gạch Võ Công Tồn chính là nơi ra đời của Chi bộ Đảng ấp Lò Gạch năm 1935; nơi các nhà yêu nước, lãnh đạo cách mạng như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai mở lớp học 20 ngày để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho đông đảo công nhân Lò gạch năm 1936; công việc in truyền đơn tại đây cũng được bí mật tiến hành trong suốt năm 1937.

Bia tưởng niệm Nhà và lò gạch Võ Công Tồn - nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Ông Võ Văn Trồ - người dân gắn bó lâu đời với vùng đất Lò Gạch, tự hào: “Nhân dân nơi đây vốn có truyền thống yêu nước, sẵn sàng chở che, đùm bọc những người yêu nước, đảng viên Cộng sản Việt Nam và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng. Riêng địa thế nhà ông Võ Công Tồn rất tiện lợi để che mắt địch, có hàng rào cây xanh rậm rạp, hào sâu bao bọc và chỉ có một cổng vào duy nhất là cầu bắc qua hào. Đêm đến, chiếc cầu này được rút và có những chú chó tinh khôn canh gác”.

Hiện nay, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà và lò gạch Võ Công Tồn được đầu tư, nâng cấp trong giai đoạn hoàn thành. Nhà được thiết kế ba gian, hai chái với chất liệu bêtông, mái ngói. Bên trong được trang trí, lưu giữ theo phong cách của các ngôi nhà khá giả cuối thế kỷ XIX với bao lam, hoành phi, câu đối,… Đây chính là “địa chỉ đỏ” cách mạng nhằm giáo dục tuổi trẻ về người chiến sĩ cách mạng có cống hiến nhiều công, của và cả tính mạng của mình cho Đảng. Năm 1986, ông Võ Công Tồn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và hiện nay tên của ông được chọn đặt cho tên đường tại các huyện, thị trong và ngoài tỉnh. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: “Võ Công Tồn cùng với Nguyễn An Ninh là hình ảnh của “núi Hai Vì”, hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX”.

Long Hiệp ngày mới

Đến nay, tất cả tuyến đường trên địa bàn xã được láng nhựa, bêtông hóa khang trang, có bố trí các điểm tránh xe, bảo đảm cho việc đi lại thuận tiện. Dọc 2 bên các tuyến đường nông thôn liên xóm, ấp được chính quyền và người dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường thêm xanh, sạch, đẹp. 

Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Long Hiệp được láng nhựa, bêtông hóa khang trang

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong phấn khởi: “Năm 2010, bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới, địa phương chỉ đạt 10/19 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt hầu hết đòi hỏi có nhiều kinh phí đầu tư: Giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa,...

Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay, xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Khởi sắc của xã hiện nay là KT-XH ngày càng phát triển; đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân từng bước cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 1%,…”.

Cùng với hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đến nay, 6/6 ấp trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa - khu thể thao rộng rãi, đủ không gian bố trí từ 100 chỗ ngồi trở lên, có các trang thiết bị cần thiết như bàn, ghế, ánh sáng,... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Toàn xã có 4 trường học đều bảo đảm cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. 

Bà Võ Thị Trinh, ngụ ấp Lò Lạch, vui mừng nói: “Trước đây, mặt đường nhỏ, hẹp, việc đi lại của người dân trong ấp rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa thường xuyên bị lầy lội, hàng hóa nông sản làm ra khó vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, nhiều tuyến đường được nâng cấp rộng rãi, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân Lò Gạch phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”. 

Xuân năm nay, chắc hẳn là mùa xuân đầy niềm vui và hy vọng đối với người dân Long Hiệp, đánh dấu cho sự phát triển của vùng quê sau hơn một năm được công nhận xã đạt nông thôn mới. Trên những tuyến đường quê đầy sắc hoa và rợp bóng cờ bay, mọi người, mọi nhà đều chuẩn bị tươm tất cho ngày Tết Cổ truyền của dân tộc./.

"Qua 9 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã Long Hiệp có sự thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; môi trường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;...”.

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết