Tiếng Việt | English

09/05/2017 - 14:19

Khốn đốn vì... đa cấp - Bài cuối: Cẩn trọng với đa cấp

Mặc dù bán hàng đa cấp được cho phép, tuy nhiên, với những biến tướng khó lường của lĩnh vực này, mọi người nên thận trọng khi tham gia.


Người dân nên thận trọng khi mua bán hàng đa cấp. (Trong ảnh: Một lớp tập huấn của Công ty Herbalife)

“Nhiêu khê” tìm lại công bằng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi lỡ “sa lưới” đa cấp, nạn nhân không chỉ nhận thiệt hại về mình mà quá trình nhờ cơ quan chức năng tìm lại công bằng cũng hết sức “nhiêu khê” vì công ty đa cấp nhanh chân “rút vòi bạch tuột”.

Trường hợp chị Lê Thị Thúy Phượng (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hay anh N.V.R. (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) (nhân vật đề cập trong 2 bài trước), sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Như anh R., vì quá bức xúc với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà K.G., anh và một vài người làm đơn tố cáo nhưng tòa án chần chừ không nhận vì thực tế, trụ sở công ty không có tại đây, còn chi nhánh đóng cửa. Số tiền của anh R. và nhiều người có nguy cơ không lấy lại được. Còn một vài trường hợp khác khi bị lừa là những cán bộ, công nhân viên chức,... vì sợ mang tiếng nên không tố cáo, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Còn chị Phượng, sau khi phát hiện mình bị lừa, nhanh chóng trở lại cơ sở Ngọc Phú để đề nghị chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, kết quả chẳng chút khả quan. Chị tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An về những sai phạm của cơ sở Ngọc Phú. Tuy nhiên, kết quả nhận được không như mong muốn.

Ngày 08/11/2016, Chi cục Quản lý thị trường Long An do Phó Chi cục trưởng - Võ Thiện Ngộ ký Thông báo số 744/TB-QLTT, cho rằng, những nội dung chị Lê Thị Thúy Phượng tố cáo cơ sở Ngọc Phú thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, tại số 291 Nguyễn Hữu Thọ, khu phố 3, thị trấn Bến Lức, thuộc phạm vi chức năng của chi cục đều không vi phạm. Vì theo Sở Công Thương Long An, Chi cục Quản lý thị trường chỉ được kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, dán tem, nhãn hàng hóa. Những vấn đề khác như công dụng, hiệu quả, phương pháp điều trị không thuộc chức năng quản lý thị trường.

1/ Theo định nghĩa của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan, bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

Thực phẩm chức năng không thể thay thế những nguồn dinh dưỡng tự nhiên và càng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu dùng quá nhiều thực phẩm chức năng, kéo dài liên tục thì không những tốn kém tiền bạc mà còn mang lại nhiều tác hại cho cơ thể như: Rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng; làm tăng mỡ máu, tăng đường huyết và các sản phẩm oxy hóa cũng tăng theo, gây tác hại đến nhiều cơ quan, bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

2/ Các mặt hàng đa cấp phần lớn có xuất xứ từ nước ngoài nên chất lượng, giá trị sử dụng và giá cả sản phẩm thường không so sánh được với các sản phẩm trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán hàng đến người tiêu dùng chủ yếu là truyền miệng, do đó rất dễ thổi phồng giá trị, gây nhầm lẫn, dụ dỗ người tiêu dùng. (Chi cục Quản lý thị trường)

“Không tham gia bán hàng đa cấp”

Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở Công Thương tại cuộc họp báo quí I UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn Long An có 21 doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp. Trong đó, 6 doanh nghiệp hoạt động có trụ sở cố định, 15 doanh nghiệp hoạt động thông qua mạng lưới nhân viên bán hàng. Trong số các doanh nghiệp có trụ sở cố định, nhiều nhất thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở thuộc công ty này tại TP.Tân An và huyện Bến Lức đều đóng cửa.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Nguyễn Anh Việt cho biết, việc bán hàng đa cấp hiện rất khó kiểm tra và xử lý vì địa điểm kinh doanh đa cấp thường không cố định, không có hàng tồn trong kho. Sở Công Thương khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa: Công dụng của sản phẩm, các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối,... Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, ông Việt khuyến cáo người dân không nên tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Vì thực tế cho thấy, các trường hợp xảy ra tranh chấp thì khó và không xử lý được các công ty này. Cuối cùng, thiệt hại thường thuộc về phía người tham gia kinh doanh đa cấp.

Sáng 25/4/2017, Bộ Công Thương công bố quyết định rút giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vì những sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Cùng với rút giấy phép, cơ quan này phạt Thiên Ngọc Minh Uy hơn 210 triệu đồng với các hành vi, như ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật,...

Ngoài ra, theo báo cáo của các sở Công Thương, năm 2016, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cùng đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42 và pháp luật liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng. (Nguồn: VNExpress)

Trước đó, vào tháng 8/2016, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (số 26 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP.HCM) bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phạt 25 triệu đồng vì vi phạm quảng cáo sản phẩm thức uống dạng bột Beauty Powder Drink - Hương cam (Supplement Food: Beauty Powder Drink - Orange Flavor) có nội dung không phù hợp với nội dung được cơ quan thẩm quyền xác nhận. (Nguồn: tieudungplus.vn và giaoduc.net.vn)

Khánh Minh - Trịnh Khúc

Chia sẻ bài viết