Tiếng Việt | English

25/06/2018 - 10:42

Không chủ quan với bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua các vết cắn, cào do động vật mang vi-rút dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Nếu bị chó, mèo cắn hoặc cào, không nên chữa trị tại nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương, dự phòng kịp thời

Nếu bị chó, mèo cắn hoặc cào, không nên chữa trị tại nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương, dự phòng kịp thời

Mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ phát sinh trong khi công tác quản lý chó, mèo nuôi tại các địa phương còn nhiều bất cập; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại còn thấp. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên người dân còn chủ quan trong phòng tránh,... Chị N.T.N, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An thờ ơ nói: “Nhà tôi nuôi chó nhiều năm nay, nhiều lần nó cắn người nhưng thấy không sao nên không tiêm ngừa”.

Ðể chủ động khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, ngày 06/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc “Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021”. Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 74 người chết do bệnh dại, hơn 500.000 người phải điều trị dự phòng, trong đó có 85% do chó cắn, tăng 21% so với năm 2016.

Tại Long An, thiết nghĩ, các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, hộ gia đình để quản lý. Các hộ nuôi cần cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo đăng ký chó, mèo nuôi, chấp hành việc nuôi, giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình; đồng thời, thực hiện xích, nhốt nhằm ngăn ngừa các trường hợp cắn người, giảm nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và những quy định pháp luật về phòng, chống bệnh dại.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Vì vậy, người bị chó, mèo cắn hoặc cào không nên tự chữa trị tại nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời. Sau đó, tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn. Nếu con vật bị bệnh, bỏ đi mất tích không theo dõi được hoặc chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn. Trường hợp bị chó, mèo hoang cắn, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để tiêm phòng bệnh dại”.

Nuôi chó, mèo là thú vui, sở thích của nhiều người nhưng không được đùa nghịch, trêu chọc với chúng. Tại Long An, năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay, tuy không có trường hợp mắc bệnh dại nào nhưng không vì thế mà chủ quan với bệnh nguy hiểm này. Người nuôi phải đeo rọ mõm chó; không thả rông chó, mèo; tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y./.

Quang Nguyên-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết