Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 14:40

Không chủ quan với dịch bệnh

Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa. Trong khi ngành Y tế nỗ lực với công tác phòng, chống dịch thì không ít người dân còn chủ quan với sức khỏe của chính mình.
Ý thức vệ sinh môi trường còn kém

Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị kịp thời

Tại Long An, các ổ dịch SXH được ghi nhận nhiều ở các huyện có khu, cụm công nghiệp. Nguyên nhân chính là do các địa phương này tập trung đông dân cư và ý thức của không ít người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch còn hạn chế.

Bến Lức là một trong những địa bàn tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện ghi nhận 30 ổ dịch với tổng số 123 ca, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm 2016.

Cộng tác viên y tế khu phố 8, thị trấn Bến Lức - Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ: “Đội ngũ cộng tác viên y tế chúng tôi thường xuyên đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động cách diệt lăng quăng, dọn vệ sinh môi trường; đồng thời cung cấp kiến thức phòng bệnh, vận động duy trì các giải pháp phòng bệnh, đặc biệt mùa mưa là thời điểm bệnh SXH tăng cao. Đa số người dân biết được sự nguy hiểm của bệnh và cách phòng, chống nhưng còn chủ quan. Ý thức vệ sinh môi trường của người dân còn kém. Một số hộ có nhà ở ẩm thấp, nhiều góc tối là nơi trú ngụ của muỗi. Trong các đợt phun thuốc, mặc dù được cộng tác viên y tế giải thích, tuyên truyền nhưng trong quá trình phun thuốc diệt muỗi, một số hộ dân không hợp tác với ngành Y tế, vì cho rằng, thuốc này khi phun sẽ gây bệnh ung thư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng dịch chưa triệt để”.

Thực tế cho thấy, một số hộ dân chỉ giữ gìn vệ sinh riêng, chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường chung quanh nên còn chỗ cho muỗi trú ẩn và sinh sản. Gia đình ông Đặng Thanh Tâm, ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, có con bị bệnh SXH vào tháng 4/2017. Khi phát hiện bệnh, gia đình sớm đưa cháu đi khám và điều trị kịp thời. Ông Tâm cho rằng: “Gia đình luôn quan tâm thực hiện diệt muỗi, giữ gìn vệ sinh nhà ở thoáng mát, sạch sẽ nhưng không hiểu sao, cháu Đặng Thanh Hậu vẫn mắc bệnh SXH”.


Học sinh tham gia lễ ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika

Cũng như Bến Lức, việc phòng, chống bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika tại Đức Hòa cũng gặp không ít khó khăn. Tại các quán ăn, quán giải khát, người dân chưa chú trọng vệ sinh môi trường xung quanh, đồng thời các khu vực là dự án treo, cỏ mọc nhiều,... chưa được xử lý, khiến muỗi trú ẩn và sinh sản. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện ghi nhận 56 ổ dịch với 172 ca mắc, số ca mắc giảm 50% so với cùng kỳ.

Cần chủ động phòng bệnh

Ngược lại, nơi nào người dân ý thức trong phòng, chống dịch bệnh thì nơi đó, bệnh được hạn chế. Chị Giản Thị Ngọc Ánh, ngụ thị trấn Bến Lức, bộc bạch: “Gia đình tôi có 2 con nhỏ nên việc phòng bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika, tay - chân - miệng và các bệnh khác được đặc biệt quan tâm. Gia đình có hơn 10 lu chứa nước mưa sử dụng nên việc súc lu và thả cá diệt lăng quăng là việc làm thường xuyên. Ngoài ra, gia đình luôn giữ nhà cửa thoáng mát, loại bỏ các vật dụng chứa nước và đồ phế thải xung quanh nhà nhằm hạn chế sự sinh sản của muỗi. Người dân xung quanh cũng ý thức được điều này. Nhờ vậy, các con tôi và trẻ em các hộ xung quanh không mắc bệnh SXH”.

Để phòng bệnh SXH, bệnh do vi-rút Zika,... Đức Hòa luôn chú trọng thực hiện các biện pháp hạn chế sự sinh sản của muỗi. Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế Đức Hòa - Trần Văn Tụng chia sẻ: “Nhằm chủ động phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, bệnh SXH, không để dịch bùng phát, lan rộng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi còn ký kết với các chủ nhà trọ trong thực hiện diệt lăng quăng và vệ sinh sạch sẽ khu vực nhà trọ. Tháng 6/2017, ngành Y tế phối hợp tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ở các xã: Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Bắc và thị trấn Đức Hòa”.

Thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước và thả cá diệt lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika, bệnh SXH, ngành Y tế Long An, trong đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn điều trị, giám sát, xử lý ổ dịch cho tuyến cơ sở. Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát các ca bệnh, giám sát véctơ, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Tăng cường các biện pháp giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm ca bệnh do vi-rút Zika để kịp thời khoanh vùng, xử lý, không để bệnh lan rộng. Phối hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống SXH và bệnh do vi-rút Zika. Ra quân tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn, đặc biệt tại các xã, phường trọng điểm, khu vực có ổ dịch cũ, các khu công trường, trường học - dự kiến trong tháng 6.

Ý thức người dân chủ động phòng bệnh rất quan trọng. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Mọi người, mọi nhà cần chủ động tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, diệt muỗi, diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Đặc biệt, thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt để phòng bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp hiệu quả nhất. Khi phát hiện bệnh, cần sớm đến cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị kịp thời”./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết