Tiếng Việt | English

22/11/2018 - 11:24

Không chùn bước trước khó khăn

Tuy hoàn cảnh, dị tật khác nhau nhưng những người khuyết tật đều phấn đấu vượt qua khó khăn, tìm công việc phù hợp để nuôi sống bản thân. Họ là những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực.

Vượt lên chính mình

Mỗi khi nhắc đến gia đình ông Nguyễn Hữu Lên và bà Nguyễn Thị Kim Thanh (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), ai cũng thán phục về nghị lực vượt khó, nuôi con ăn học và xây dựng cơ ngơi khang trang. Lúc 3 tuổi, căn bệnh sốt bại liệt khiến 2 chân ông Lên không đứng được và phải chịu tàn tật suốt đời nhưng với ý chí và nghị lực, ông không đầu hàng số phận, còn bà Thanh là người phụ nữ giỏi giang và chăm chỉ.

Anh Nguyễn Hữu Lên (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), tấm gương sáng về ý chí và nghị lực nuôi dạy con thành đạt

Anh Nguyễn Hữu Lên (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), tấm gương sáng về ý chí và nghị lực nuôi dạy con thành đạt

Khi lập gia đình, vợ chồng ông Lên được cha mẹ cho ra ở riêng. Ngoài căn nhà lá tạm bợ trên mảnh đất cha mẹ cho thì sự cần cù, chịu khó và tình nghĩa vợ chồng là tài sản lớn nhất mà ông bà có được. Trước đây, vào mùa nước nổi, ông tất bật với nghề câu cá kiếm thêm thu nhập. Bà thì nấu rượu, nuôi heo, dành dụm tiền. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ ông bà chùn bước.

Niềm vui và hạnh phúc gia đình trọn vẹn hơn khi 2 người con gái lần lượt ra đời. Sự hiếu thảo, chăm ngoan, học giỏi của 2 người con là niềm tự hào đối với ông bà. Bà Thanh chia sẻ: “Cả 2 đứa đều rất ngoan, nghe lời cha mẹ. Hiểu được sự vất vả của cha mẹ, ngoài giờ đi học, các con còn tranh thủ phụ việc nhà. Cuộc sống dù khó khăn nhưng gia đình tôi luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc”.

Được nghe câu chuyện vượt khó của vợ chồng ông Lên và tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy, quả thật “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Nhờ cần cù lao động, ông bà tích góp mua được 0,5ha đất sản xuất lúa. Năm 2006, gia đình ông bà xây dựng được cơ ngơi khang trang. Hiện, 2 con gái của ông Lên đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Kinh tế gia đình khấm khá hơn trước nhưng ông bà vẫn chưa chịu “nghỉ hưu”. Ông Lên bày tỏ: “Niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi chính là sự thành đạt, hiếu thảo của các con. 2 con đều khuyên tôi nên nghỉ ngơi nhưng với tôi, còn sức khỏe là còn lao động”.

Không đầu hàng số phận

Chúng tôi tình cờ gặp ông Phan Tấn Lực (ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) trong một lần đi công tác. Hỏi ra mới biết, ông Lực kiếm sống qua ngày bằng nghề bán vé số hơn 20 năm nay. 73 tuổi, lại là người khuyết tật nhưng hàng ngày ông vẫn rong ruổi mưu sinh. Nhìn ông, nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Mỗi ngày đi bán vé số, kiếm tiền trang trải cuộc sống, đem vận may đến cho mọi người là niềm vui với ông Phan Tấn Lực

Mỗi ngày đi bán vé số, kiếm tiền trang trải cuộc sống, đem vận may đến cho mọi người là niềm vui với ông Phan Tấn Lực

Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, đôi chân khập khiễng của ông Lực cũng rảo khắp Quốc lộ 62 đoạn từ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa đến phường 6, TP.Tân An. Mỗi ngày, ông thức dậy từ sớm và bắt đầu đi bán lúc 5 giờ cho đến trưa. Tuổi cao, sức yếu nên ông chỉ có thể bán trong buổi sáng rồi trở về nhà. Với người khuyết tật như ông Lực, việc bán hết 200 tờ vé số trong một buổi là chuyện không dễ. Trong một lần đi bán vé số, ông không may bị tai nạn giao thông. Đôi chân tật nguyền nay lại thêm chấn thương khiến ông đi lại càng khó khăn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của mạnh thường quân, ông Lực được tặng chiếc xe lắc tay làm phương tiện mưu sinh. Từ chiếc xe này, ông gom góp tiền cải tạo thành xe lắc điện để đi lại dễ dàng hơn. Ông Lực cho biết: “Có chiếc xe này, tôi đi lại đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, mỗi ngày, tôi có thể đi xa hơn, bán được nhiều vé số hơn trước. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thế nhưng vợ chồng tôi cố gắng nương tựa vào nhau mà vượt qua” - ông Lực nói. Khó khăn, vất vả là thế nhưng chúng tôi cảm nhận được nghị lực vươn lên của ông Lực qua ánh mắt, nụ cười luôn rạng ngời. Mỗi ngày đi bán vé số, mang vận may đến cho mọi người cũng là để ông kiếm tiền trang trải cuộc sống. Với ông, đó là niềm vui. Trò chuyện với chúng tôi không lâu, ông Lực lại tiếp tục hành trình mưu sinh.

Hoàn cảnh của ông Lê Văn Luông (khu phố 4, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), cũng khó khăn không kém. di chứng căn bệnh sốt bại liệt khiến ông bị tật bẩm sinh dẫn đến tay chân yếu, sinh hoạt khó khăn. Gia đình ông Luông thuộc diện hộ nghèo của thị trấn. Do không có đất sản xuất nên vợ chồng ông sống chủ yếu bằng nghề làm thuê. Khi 3 người con gái lần lượt ra đời, mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn trên đôi vai người vợ. Từ người phụ nữ “chân yếu tay mềm”, vợ ông Luông trở thành lao động chính trong gia đình.

Dù chịu cảnh “gà trống nuôi con” nhưng ông Lê Văn Luông cố gắng dồn hết sức lực để nuôi dạy con

Dù chịu cảnh “gà trống nuôi con” nhưng ông Lê Văn Luông cố gắng dồn hết sức lực để nuôi dạy con

Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ ông đột ngột qua đời cách đây một năm. Ông Luông chịu cảnh “gà trống nuôi con” nên chỉ có thể cho con gái lớn tiếp tục theo học đại học và con gái út đến trường. Căn nhà mà ông và các con đang sống là nhà tình nghĩa (ông Luông là con liệt sĩ Lê Văn Tông) do chính quyền địa phương xây tặng cách nay 10 năm, nay đã xuống cấp. Bằng sự quyết tâm và tấm lòng của người cha, ông Luông dồn hết sức lực để nuôi dạy con. Nghĩ đến cảnh đứa con gái thứ hai vừa tốt nghiệp THPT phải gác lại việc học và con gái út chỉ mới học lớp 5, ông có thêm động lực để cố gắng. “Giá như vợ tôi còn sống thì chúng tôi cùng cố gắng bươn chải cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Tôi không mong muốn gì khác ngoài mong cho 3 đứa con tội nghiệp của tôi vượt qua khó khăn, không đầu hàng trước số phận và sau này có một cuộc sống tốt đẹp, gia đình hạnh phúc” - ông Luông nói.

Cuộc sống vẫn luôn tiến về phía trước, không vì một ai mà dừng lại. Với những người khuyết tật cũng vậy, họ vẫn tiếp tục cuộc mưu sinh của mình bằng niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Và chúng tôi tin rằng, chỉ cần họ đủ nghị lực, không chùn bước trước khó khăn thì tương lai vẫn rộng mở./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết