Tiếng Việt | English

08/09/2018 - 15:20

Không có lệnh ngừng bắn, Iran-Nga-Thổ vẫn ngăn cuộc “tắm máu” ở Syria

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 07/9 nhất trí hợp tác để tránh nguy cơ đổ máu ở Idlib, thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria.

Dù không như kỳ vọng của giới chuyên gia về một lệnh ngừng bắn và dù vẫn còn những bất đồng không dễ giải quyết, song cuộc họp đã gửi đi được tinh thần hợp tác vốn có của tiến trình Astana về hòa bình Syria, mà 3 nước là những nhà bảo trợ chính.

Lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AA)

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Tehran, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rohani nhất trí rằng, cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua một tiến trình đàm phán chính trị thay vì biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn.

Văn kiện cũng khẳng định 3 nước sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra, một nhánh của Tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Syria. Ba nước thống nhất sẽ chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria tiếp theo tại Nga.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tính phức tạp của vấn đề Idlib, cuộc gặp ngày 07/9 đã chứng kiến sự chia rẽ giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn, thì Nhà lãnh đạo Nga lại bác bỏ mạnh mẽ ý tưởng này, cho rằng, việc ngừng bắn là vô nghĩa khi không có sự tham gia của các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan.

“Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là truy quét và tiêu diệt các tay sung khủng bố tại Idlib. Bởi sự hiện diện của chúng là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống của người dân Syria” – ông Putin nói.

Trong khi Iran và Nga nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố” và quyền của chính quyền Syria khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ, thì Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ lực lượng nổi dậy và đang phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Syria, cảnh báo nguy cơ một cuộc thảm sát.

“Dù với bất kỳ lý do gì, một cuộc tấn công vào Idlib sẽ dãn tới một thảm họa, một cuộc thảm sát và một bi kịch nhân đạo lớn. Toàn bộ 3 triệu dân thường trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng” - Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình Astana, với một loạt cuộc hòa đàm được mở ra kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp năm 2015, góp phần thay đổi  cục diện cuộc chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này. Đây là một tiến trình song song và là một sự bổ trợ cho tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ). Ngay trước cuộc họp, một số phương tiện truyền thông đã đề cập khả năng 3 nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn tại Idlib.

Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, với một vấn đề phức tạp như Idlib, việc các nhà lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những bất đồng là điều dễ hiểu. Việc 3 nước quyết định giải quyết vấn đề Idlib trên tinh thần chủ đạo của tiến trình Astana là “hợp tác” mới là điều quan trọng nhất.

Cùng ngày, trong một thông cáo chung, 8 tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Syria đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Tehran và New York cùng nhau làm việc nhằm tránh nguy cơ một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất tại Syria trong hơn 7 năm qua.

Bùng phát năm 2011, cuộc chiến tranh tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 350.000 người và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa./.

Thu Hoài/VOV.VN

Chia sẻ bài viết