Tiếng Việt | English

17/10/2018 - 15:17

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Qua đó, giúp hộ nghèo, cận nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lan tỏa các hoạt động

Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau là phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (GN) bền vững giai đoạn 2016-2020. Hưởng ứng phong trào này, hàng năm, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực thông qua nguồn Quỹ “Vì người nghèo”.

Qua các lớp dạy nghề nông thôn, người dân tự tạo được việc làm tại địa phương

Qua các lớp dạy nghề nông thôn, người dân tự tạo được việc làm tại địa phương

Qua 3 năm (2016-2018) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” từ tỉnh đến cơ sở vận động được gần 43 tỉ đồng, xây tặng 1.020 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 38 tỉ đồng; sửa chữa 187 căn nhà với kinh phí trên 2,1 tỉ đồng, giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp. Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Đào (70 tuổi), ngụ ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, sống trong căn nhà lá tạm bợ. Gia đình bà không có đất sản xuất, các con bà cũng nghèo khó nên không chăm lo được cho bà. Hàng ngày, bà đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Bà chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ xây tặng nhà tình thương, tôi không còn lo lắng mỗi khi trời mưa to, gió lớn. Sống trong ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình là ước mơ bấy lâu của tôi”.

Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ GN được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An - Nguyễn Văn Hiền nhận định: “Phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau cũng như các phong trào thi đua yêu nước khác góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương GN của Đảng và Nhà nước. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc chăm lo cho người nghèo”.

Trao cần câu cho người nghèo

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác GN, giải quyết việc làm, các địa phương có cách làm cụ thể, tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Với phương châm trao chiếc “cần câu” thay vì “con cá” giúp người dân thoát nghèo bền vững, huyện Bến Lức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Qua các lớp dạy nghề nông thôn, người dân tự tạo được việc làm tại địa phương

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được sự quan tâm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể liên quan. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Phạm Tuấn Hải cho biết: “Nhờ được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể liên quan mà công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp nhu cầu của người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương”.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 8 lớp dạy nghề trồng lúa, chanh, cây kiểng, thanh long, rau màu, chăn nuôi bò,... cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành các lớp học, người dân tự tạo được việc làm, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Ông Phan Văn Thưởng (ấp 8, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) chia sẻ. “Trước đây, tôi nuôi vịt đẻ nhưng quy mô nhỏ, lẻ. Từ khi được hỗ trợ vay vốn và tham gia các lớp dạy nghề, tôi nắm được kỹ thuật chăn nuôi để phát triển đàn vịt lên 600 con. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư trồng dưa leo để tăng thêm thu nhập”.

Tại Thạnh Hóa, công tác chăm lo cho người nghèo luôn được các cấp, ngành trong huyện chú trọng thực hiện. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện còn 3,19%, giảm 1,8% so với năm 2016. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai với nhiều ngành nghề, phù hợp nhu cầu và điều kiện của người học. Việc đào tạo nghề cơ bản gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Từ năm 2016 đến nay, huyện tổ chức dạy nghề cho 788 người, đạt 82,94% kế hoạch.

Các hoạt động hỗ trợ giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế

Nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, huyện triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và đa dạng mô hình GN trên địa bàn xã, thị trấn cho 239 hộ. Ông Trần Văn Mức (ấp Vườn Xoài, xã Thuận Nghĩa Hòa) là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Mức cho biết: “Nhờ được hỗ trợ vay vốn hộ nghèo nên tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu không có các chương trình hỗ trợ thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới xây dựng được căn nhà kiên cố, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cũng như các địa phương khác, công tác chăm lo cho người nghèo cũng được huyện Cần Đước thực hiện hiệu quả. UBMTTQ Việt Nam huyện phối hợp các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Huyện triển khai nhiều mô hình sản xuất (nuôi bò, cánh đồng lớn,...) theo định hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Theo đó, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm qua từng năm. Nếu như năm 2016 tổng số hộ nghèo của huyện là 905 hộ, chiếm 2,05% thì đến nay giảm còn 725 hộ, chiếm 1,59%.

Các hoạt động chung tay vì người nghèo giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong lao động, sản xuất, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của hoạt động giúp đỡ người nghèo, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người nghèo./.

► Nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo (từ ngày 17/10 đến 18/11/2018), Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” trân trọng gửi thư ngỏ đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân, tương ái” của dân tộc. Từ đó, chung tay đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” nhằm có thêm nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

► Qua 3 năm (2016-2018), toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 10.584 lao động nông thôn (trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm 74,35%; đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm 25,65%), góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,72%; giải quyết việc làm cho 88.024 lao động. Toàn tỉnh có 159 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, chiếm 95,7% tổng số xã, tăng 20 xã so với năm 2015.

► Công tác giảm nghèo được chú trọng theo hướng bền vững và xã hội hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 3,57% (đầu năm 2017), bình quân giảm 0,4-0,5%/năm. Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 11.883 hộ nghèo, chiếm 2,93%; 14.994 hộ cận nghèo, chiếm 3,7% tổng số hộ.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết