Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Không để phát sinh điểm đen, điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và các ngành, địa phương, hiện các điểm đen, điểm nóng về ô nhiễm môi trường từng gây bức xúc trong nhân dân cơ bản đã được giải quyết.

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) đã từng bước xử lý được tình trạng gâyô nhiễm môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện trên địa bàn tỉnh có 19 khu và 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong đó, có 18 khu và 8 cụm đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động.

Đẩy lùi các Điểm đen, Điểm nóng

Năm 2014, Sở TN&MT đã phối hợp các ngành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường hơn 160 đơn vị, qua đó, đã ra quyết định xử phạt 13 đơn vị vi phạm, với số tiền gần 550 triệu đồng. Những vi phạm mà đoàn kiểm tra phát hiện chủ yếu liên quan đến hồ sơ thủ tục như không báo cáo giám sát môi trường hay quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định.

Từ đầu năm 2015 đến nay, sở tiếp tục tập trung kiểm tra tại các đơn vị, ngành nghề có lưu lượng nước thải, khí thải phát sinh lớn và nguy cơ ô nhiễm cao. Nằm trong kế hoạch này, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp Thanh tra sở và các ngành kiểm tra 40 cuộc tại các doanh nghiệp, nhìn chung, việc chấp hành bảo vệ môi trường thực hiện khá tốt nên chưa có đơn vị nào bị xử phạt.

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, qua kiểm tra, những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường đã được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện khá tốt. Cụ thể, thời gian trước, trên địa bàn tỉnh có 16 điểm đen, điểm nóng về môi trường. Nhưng đến nay, 15/16 điểm đã được khắc phục, riêng với Cụm công nghiệp Hoàng Gia, đã có những động thái tích cực khi trong tháng 9-2014 đã tiến hành khởi công xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Dự kiến trong năm nay, hệ thống sẽ hoàn thành đưa vào vận hành.

Cùng với kiểm tra, xử lý thì tỉnh cũng quyết tâm không để phát sinh thêm điểm đen, điểm nóng, nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Đồng thời, theo kế hoạch, trong năm sẽ đôn đốc, yêu cầu 100% khu, cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động phải xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành thường xuyên. Cùng với đó, sẽ yêu cầu các khu, cụm công nghiệp phải thực hiện đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tự động để đấu nối với trạm giám sát trung tâm ở tỉnh. Qua đó, ngành chức năng tỉnh sẽ theo dõi được hoạt động của khu xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, chủ trương của tỉnh là khi thu hút đầu tư sẽ tiến hành xác định kỹ năng lực của nhà đầu tư, qua đó kiên quyết không tiếp nhận những công nghệ cũ, lạc hậu,...

Thường xuyên kiểm tra mẫu nước ở các sông có nguy cơ ô nhiễm cao

Theo đánh giá của Sở TN&MT, đối với vùng nông thôn, hiện nay thói quen xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra, trong khi đó, việc thu gom xử lý rác ở vùng này còn có những hạn chế, khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cần nhìn nhận khách quan là đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với trước. Qua đánh giá, mức độ ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm trọng. Nhưng nguy cơ ô nhiễm vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là ở các sông, kênh, rạch.

Vì lẽ đó, thời gian qua, Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành khảo sát, quan trắc tình hình môi trường ở các khu vực trên địa bàn tỉnh; nhất là các tuyến sông, kênh, rạch. Từ đó có những giải pháp kịp thời để giải quyết khi có ô nhiễm xảy ra. Đặc biệt, đối với các sông, kênh, rạch thì tiến hành nạo vét, thu gom lục bình để khơi thông dòng chảy. Song song đó, thường xuyên lấy mẫu nước ở các sông, kênh, rạch ở vùng gần các nhà máy, xí nghiệp và các vùng giáp ranh với TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang để quan trắc, kiểm tra.

“Theo quy định, ở kênh, sông, mỗi năm Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ lấy mẫu nước kiểm tra mức độ ô nhiễm ít nhất 4 lần. Nhưng có những địa điểm trọng yếu như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh Thầy Cai, chúng tôi lấy mẫu nước 6 lần để kiểm tra, phân tích. Nếu mức độ ô nhiễm vượt quy chuẩn thì chúng tôi kịp thời phối hợp địa phương và các tỉnh lân cận tiến hành xác định nguyên nhân ô nhiễm từ đâu. Qua đó, phân rõ trách nhiệm cho từng địa phương, các tỉnh, thành phố để có trách nhiệm, xử lý ô nhiễm môi trường kịp thời” - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm Sở TN&MT - bà Nguyễn Thị Thanh Tú cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Huỳnh Thị Phép, sở luôn khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các cải tiến, công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất; áp dụng sản xuất xanh, sạch, sạch hơn, ISO 14000, tiêu dùng xanh. Về phía sở, ngoài kiểm tra, giám sát thì cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; xây dựng đề án tổng thể về truyền thông bảo vệ môi trường đến năm 2020; xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã giai đoạn 2015-2020.

Đối với khu vực nông thôn, đến hết tháng 3-2015, trong số 166 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì đã có 88 xã đạt tiêu chí về môi trường.

Lê Đức 

Chia sẻ bài viết