Tiếng Việt | English

24/06/2019 - 09:10

Không lơ là trước dịch tả heo châu Phi

Tại Long An đã có 3 ổ dịch xảy ra tại ấp Hậu Hòa, xã Ðức Hòa Thượng và phường 1, phường 2, thị xã Kiến Tường. Trước tình hình này, nhằm hạn chế dịch lây lan trên diện rộng.

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất tỉnh Bến Tre chưa xảy ra dịch. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và rộng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả nước hiện có hơn 2,4 triệu con heo phải tiêu hủy bắt buộc, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước tiêu tốn rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch. 

Hơn 40.000 tờ bướm tuyên truyền về dịch tả heo châu Phi được phát cho người dân tại các địa phương

Riêng tại Long An đã có 3 ổ dịch xảy ra tại ấp Hậu Hòa, xã Ðức Hòa Thượng và phường 1, phường 2, thị xã Kiến Tường. Trước tình hình này, nhằm hạn chế dịch lây lan trên diện rộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “Các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch lây lan diện rộng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong chống dịch. Đồng thời, từng cấp từ tỉnh đến huyện, xã (nơi chưa có dịch) cần xây dựng ngay kịch bản ứng phó dịch ở từng cấp độ khác nhau, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện ổ dịch như: Địa điểm tiêu hủy heo, đặc biệt là các địa phương cần có giải pháp cho những hộ không có đất hoặc tình huống phải tiêu hủy heo nuôi quy mô trang trại hoặc heo của nhiều hộ bị bệnh cùng một thời điểm; tổ chức thực hiện công tác chống dịch, không để bị động, với phương châm “chống dịch như chống giặc” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và “4 tại chỗ”: Chỉ đạo tại chỗ; nhân lực tại chỗ; vật tư tại chỗ và phương tiện tại chỗ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn heo nhập vào tỉnh ở các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh, đặc biệt lưu ý các xe chở heo phủ kín bạt nhằm tránh kiểm soát của lực lượng thú y. Đồng thời, khuyến cáo hộ chăn nuôi heo thực hiện biện pháp 

“5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt); DTHCP không lây sang người, người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay và quay lưng với sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín thịt trước khi dùng./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết