Tiếng Việt | English

05/12/2019 - 10:36

Không nên chủ quan với bệnh dại

Hiện nay, nhiều người vẫn chủ quan không tiêm phòng vắc-xin dại sau khi bị chó, mèo cắn. Vì vậy, không ít người phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình.

Vị trí dịch dại xảy ra tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ

Vị trí dịch dại xảy ra tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ

Tử vong do vi-rút dại

Thói quen nuôi chó, mèo thả rông của nhiều gia đình, nhất là tại các khu dân cư hay vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, việc tiêm phòng vắc-xin chưa được quan tâm nên không ít người bị chó, mèo cắn, mắc bệnh dại dẫn đến tử vong. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 3 trường hợp bị chó, mèo cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong do vi-rút dại.

Bà Võ Thị A. (SN 1955), ngụ ấp Rạch Bùi, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, bị con chó nuôi trong nhà cắn, vết cắn trên bàn tay sâu và chảy nhiều máu. Sau đó vài ngày, con chó bị gia đình bà đánh chết và làm thịt. Theo lời kể của gia đình bà A., ngoài bị chó cắn, bà A. còn bị 1 con mèo con nuôi trong nhà cắn không dưới 2 lần. Con mèo này sau đó cắn thêm 2 người khác trong nhà nên cũng bị đánh chết. Nhiều ngày sau, vết thương trên tay bà A. có dấu hiệu sưng và lở loét. Mặc dù được người nhà vận động đi tiêm phòng vắc-xin dại nhưng bà không chịu. Ngày 16/4/2019, bà A. có dấu hiệu sợ nước, ánh sáng, gió, không ăn uống được và được đưa vào Bệnh viện Vĩnh Hưng. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp tục chẩn đoán theo dõi bệnh dại và chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM). Sau khi đến Bệnh viện Nhiệt đới, bà A. tử vong và được chuyển về nhà (ngày 17/4/2019).

Giữa tháng 6/2019, ông Lê Văn H., ngụ ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, bị con mèo nuôi trong nhà cắn, vết cắn trên ngón tay và chảy máu nhiều. Do nghĩ mèo ở nhà nuôi nên ông H. không tiêm phòng vắc-xin dại. Sau khi cắn ông H. khoảng 2 ngày thì con mèo chết. Đến ngày 28-9-2019, ông H. có chiệu chứng mệt mỏi, sợ nước, ánh sáng và được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông H. lên cơn dại và lấy mẫu nước bọt xét nghiệm có vi-rút dại. Đến ngày 29/9/2019, ông H. tử vong tại bệnh viện.

Còn ông Trần Văn Chiêu (ấp 5, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ), nhờ tiêm phòng kịp thời khi bị mèo cắn nên hiện tại sức khỏe đã ổn định. Ông Chiêu cho biết: “Gia đình nuôi 3 con chó và 2 con mèo. Đầu tháng 11/2019, tôi vô tình bị con mèo cắn ở tay. Thấy vết cắn khá sâu nên tôi đi tiêm ngừa, đến nay tiêm được 2 mũi, hiện tại sức khỏe tốt”.

Cán bộ Thú y xã Mỹ Bình - Phan Văn Mận cho hay: “Từ trước đến nay, người dân chủ quan, không tiêm vắc-xin và huyết thanh khi bị chó, mèo cắn và việc tiêm phòng cho chó, mèo chưa đầy đủ là nguyên nhân phổ biến của bệnh dịch này. Đa số ca tử vong đều do không hiểu biết về bệnh nên không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại. Trường hợp ông Chiêu là ca đầu tiên trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có khoảng 300 hộ dân nuôi chó, mèo. Đến nay, địa phương tiêm phòng vắc-xin dại trên vật nuôi được 218 liều, chiếm khoảng 87%. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục xin hỗ trợ kinh phí, thuốc và tiêm phòng dứt điểm; tìm giải pháp để xử lý những con mèo, chó hoang”.

Ông Trần Văn Chiêu với vết cắn trên tay do con mèo gây ra

Ông Trần Văn Chiêu với vết cắn trên tay do con mèo gây ra

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc, việc quản lý đàn chó, mèo ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức; tiêm phòng cho chó, mèo vẫn chưa triệt để; chưa xử lý đối với chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng cho chó, mèo cùng tình trạng nuôi chó thả rông khá phổ biến là những nguy cơ lớn phát sinh bệnh dại ở động vật, kéo theo khả năng lây lan trên diện rộng là rất lớn. Bên cạnh đó, lực lượng thú y xã, thị trấn không đáp ứng để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, địa phương đã tiêm phòng được 1.900 liều, đạt 54,1% kế hoạch. Thời gian tới, ngành phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo.

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Trước những diễn biến và mức độ nguy hiểm của bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng, chống. Theo đó, ngành chức năng sẽ hỗ trợ vắc-xin dại miễn phí; tăng cường hoạt động tập huấn, truyền thông phòng, chống bệnh dại và xử lý các ổ dịch dại ở người và động vật. Các điểm tiêm vắc-xin phòng dại được tiếp tục mở rộng và tăng cường để bảo đảm ít nhất một địa phương có một điểm tiêm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí đề nghị: “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức khử trùng, tiêu độc ở những nơi đã xảy ra dịch và các địa phương có nguy cơ xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý và phối hợp giữa y tế và cơ quan thú y triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật,... Đối với trường hợp, người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc, phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối pha đặc, các chất sát khuẩn, sau đó đến các điểm tiêm phòng dại để được tư vấn và tiêm phòng. Đặc biệt, cần lưu ý đến vết thương hở, sâu trong trường hợp cần thiết phải cắt lọc nhưng không được khâu ngay, trừ trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày để đề phòng vi-rút dại tản phát. Người dân nên chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp: Hạn chế nuôi chó thả rông, xích nhốt, rọ mõm để đề phòng chó cắn người; tiêm phòng dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của ngành thú y; diệt chó chạy rông, chó vô chủ, nếu xuất hiện phải diệt hết chó dại và nghi dại trong vùng. Đặc biệt, những người thường xuyên giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm từ chó, mèo nên tiêm dự phòng bằng vắc-xin phòng bệnh dại”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết