Tiếng Việt | English

12/09/2015 - 18:36

Không uống bia Sài Gòn phải viết tường trình: Chuyện thật như đùa!

Yêu cầu “uống bia Sài Gòn” để ủng hộ doanh nghiệp giống như cách cưng chiều con cái không phải lối của một vài ông bố, bà mẹ.

Dư luận đã và đang xôn xao khi Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương phải sử dụng bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida trong các cuộc liên hoan, tiếp khách có sử dụng ngân sách.

Mục đích của việc làm này theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là tăng cường vận động các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và người dân đồng hành cùng doanh nghiệp.

Và, dư luận càng xôn xao hơn khi đã có những cán bộ đầu tiên của Hà Tĩnh vi phạm mệnh lệnh này. Họ là những cán bộ của ngành giáo dục. Theo một vị lãnh đạo của tỉnh nhà, sau hội nghị vinh danh điển hình tiên tiến ngành giáo dục Hà Tĩnh mới đây, một nhóm cán bộ của cơ quan này đã tổ chức liên hoan. Trong buổi liên hoan, một số người đã không sử dụng bia Sài Gòn mà lại lựa chọn loại bia và đồ uống khác. Sau đó, thông tin này đã được báo với một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong một buổi họp nội bộ của cơ quan, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã nhắc nhở 7 cán bộ có mặt trong buổi liên hoan vì không sử dụng bia Sài Gòn, không “ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh” và 7 cán bộ trên còn phải viết bản tường trình về vụ việc.

Các bữa tiệc của tỉnh Hà Tĩnh phải có bia Sài Gòn

Dư luận còn chưa hết sửng sốt về văn bản “lạ” mà Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành yêu cầu phải uống bia Sài Gòn thì lại đã có ngay “người thực, việc thực” vi phạm. Không biết có phải mấy anh cán bộ ngành giáo dục này “cố ý làm trái” để “thử” xem nếu không tuân theo cái lệnh có một không hai này thì sẽ làm sao hay vì họ không thích uống bia Sài Gòn? Hay vì một lý do nào đó khác…

Trong khi đất nước hội nhập, kinh tế mở cửa, thông thương hàng hóa khắp nơi, không còn cảnh “bế quan, tỏa cảng” như trước thì tỉnh Hà Tĩnh lại có một mệnh lệnh hành chính gần như “cấm tiệt” các nhãn hiệu hàng hóa khác thâm nhập thị trường. Rõ ràng những "trát" kiểu này sẽ làm méo mó thị trường đồ uống ở địa phương. Đã là kinh tế thị trường thì mọi thứ nên để thị trường quyết định. Nếu bia Sài Gòn ngon, thực sự có uy tín thì chẳng cần ai phải ra lệnh “ưu ái” người tiêu dùng vẫn chọn.

Công văn của tỉnh Hà Tĩnh được ban hành với yêu cầu “các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại địa phương, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đóng góp vào ngân sách nội địa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà”. Cách vận dụng của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thật máy móc và khó chấp nhận. Bởi lẽ, ở cấp Trung ương, khi thực hiện cuộc vận động này cũng không có bất kỳ một mệnh lệnh nào ép buộc người Việt Nam nhất nhất phải mua hàng hóa của người Việt sản xuất. Cuộc vận động này được đưa ra với mong muốn các DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng trong nước, một thị trường rộng lớn nhưng lâu nay bị lãng quên và có nguy cơ bị các DN nước ngoài chiếm lĩnh. Vận động không có nghĩa là ép buộc người dân phải mua thứ hàng hóa mà họ không thích.

Lại nói tiếp về hội nhập kinh tế quốc tế, khi đã hội nhập chúng ta sẽ không được quyền, không được phép sử dụng bất cứ một mệnh lệnh hành chính nào để can thiệp vào thị trường. Nếu xử sự như vậy chắc chắn sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhãn hiệu hàng hóa.

Không biết một tỉnh Hà Tĩnh mỗi năm tiêu thụ được bao nhiêu lít bia? Công ty Bia Sài Gòn chọn Hà Tĩnh để đặt nhà máy đâu phải vì người Hà Tĩnh có khả năng uống bia vô địch? Họ chọn Hà Tĩnh vì vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa, vì những ưu ái về chính sách thuế, đất đai… chứ đâu phải đặt nhà máy ở Hà Tĩnh là bán bia cho dân Hà Tĩnh. Nếu chỉ phục vụ người Hà Tĩnh thì chỉ cần một cơ sở sản xuất bia tư nhân cũng đáp ứng đủ!? Lãnh đạo tỉnh này bảo hàng năm nhà máy bia Sài Gòn đóng góp lớn cho ngân sách cho nên phải uống bia của họ để ủng hộ.

Và nếu tất cả các tỉnh, thành đều đưa ra “mệnh lệnh” như Hà Tĩnh thì giao thương hàng hóa sẽ không còn, người tiêu dùng sẽ không có nhiều lựa chọn và các DN cũng sẽ chẳng cần cạnh tranh. Bởi họ đã có riêng một “vương quốc” tha hồ tung hoành, dù chất lượng hàng hóa ở mức nào thì người dân ở địa phương đó cũng phải mua, vì chẳng còn lựa chọn nào khác!

Cách tỉnh Hà Tĩnh “nuông chiều” các nhà máy bia khiến người ta nghĩ đến hình ảnh các bà mẹ cưng chiều các “cậu ấm, cô chiêu” nhưng không phải lối. Cách cưng chiều này không giúp đứa con cưng của họ trưởng thành mà chỉ khiến chúng thêm nhõng nhẽo, có khi hư hỏng và khiến người chứng kiến thấy buồn cười. Thiết nghĩ, có nhiều cách để ủng hộ DN tại địa phương và Hà Tĩnh còn nhiều việc phải làm chứ không phải cứ đến bữa ăn lại "canh" nhau xem có uống bia Sài Gòn hay không./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích