Tiếng Việt | English

08/02/2016 - 17:14

Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen – Đồng Tháp Mười thu nhỏ

Với hệ sinh thái đa dạng cùng hệ động, thực vật phong phú, Khu bảo tồn (KBT) Đất ngập nước Láng Sen được ví như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Mỗi năm, vào mùa nước nổi, nơi đây còn là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn cá thể chim di trú. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm như: Sếu đầu đỏ, quắm đen, điên điển,... và cả các loài cá hiếm khi xuất hiện ngoài tự nhiên như: Cá tra dầu, cá hô, cá éc mọi, cá chài,... Chính vì vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường sống của hệ động, thực vật tự nhiên trong KBT luôn được các cán bộ và người dân chung sức tham gia.


Từng đàn cò trắng tung cánh giữa Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen

Chung tay, góp sức bảo vệ khu bảo tồn

Dọc theo tuyến Đường tỉnh 819 vừa được đầu tư xây dựng, hai bên dòng kênh 79, những tấm biển giới thiệu về KBT được dựng chỉn chu, kèm với đó là những khẩu hiệu tuyên truyền mọi người cùng chung sức giữ gìn môi trường sống, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Theo các cán bộ KBT, những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn nét hoang sơ của vùng Láng Sen không chỉ có lực lượng cán bộ, nhân viên KBT mà còn có cả sự chung tay của người dân.


Những cánh đồng năn bạt ngàn là môi trường sống cho các loài: Diệc, sếu đầu đỏ tìm về hằng năm

Theo chân Giám đốc KBT Đất ngập nước Láng Sen - Trương Thanh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thức, ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi - một trong những hộ tham gia vào dự án tránh thích ứng ngược với biến đổi khí hậu thông qua canh tác nông nghiệp thông minh và phục hồi đất ngập nước ở KBT.

Theo anh Thức: “Trước đây, cuộc sống khó khăn, một số người không hiểu nên tìm cách đặt bẫy chim, cò hay dùng xung điện bắt cá, cải thiện đời sống. Nhưng từ khi được tuyên truyền, giải thích, người dân hiểu bảo vệ thiên nhiên là việc làm cần thiết. Bảo vệ cho KBT cũng là cho tương lai sau này của chính chúng tôi. Vậy nên, mỗi khi thấy người lạ đến săn bắt chim, cò là chúng tôi nhắc nhở ngay. Và cũng từ KBT cho chúng tôi thêm các nghề về nông nghiệp, ổn định cuộc sống”.


Từng đàn chim về với KBT trong mùa sinh sản

Chỉ tính riêng năm 2013, các tổ chức phi chính phủ cấp cho KBT gần 1 tỉ đồng nhằm triển khai các dự án hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đệm. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu được sử dụng xoay vòng với 120 hộ dân tham gia bằng các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập và bước đầu cho những tín hiệu tích cực.

Hiện nay, KBT đang tiến hành triển khai các mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp thông minh nhằm hạn chế rác thải, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản hằng năm hay các mô hình chăn nuôi thủy sản theo phương pháp khoa học,... để triển khai tới người dân. Bước đầu, các mô hình này cho hiệu quả khi những người dân tham gia dần từ bỏ thói quen săn bắt chim rừng và tàn phá thiên nhiên. “Sự chung tay, góp sức của chính quyền và cộng đồng địa phương đang góp phần mang lại thành công và bảo đảm tính bền vững của các nỗ lực bảo tồn ở Láng Sen” - ông Sơn cho hay.

Để những cánh chim tung cánh giữa KBT

Từ việc chung tay bảo vệ cảnh quan, giữ gìn nét hoang sơ của tự nhiên, KBT Đất ngập nước Láng Sen trở thành nơi lý tưởng cho các loài động vật về sinh sống. Theo ghi nhận từ KBT, riêng chim nước có khoảng 148 loài và là quần thể lớn nhất so với các KBT khác trên cả nước. Đồng thời, nơi đây còn là nơi sinh sống của 87 loài cá nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mê Kông, đặc biệt, nhiều loài hiếm gặp trong tự nhiên như cá hô, cá tra dầu,... Ngoài ra, KBT còn được lưu giữ qua các kiểu hệ sinh thái đặc trưng như: Rừng tràm tập trung, rừng tràm ven sông, lung, trấp và đồng cỏ ngập nước theo mùa với một số kiểu sinh cảnh đặc trưng như sinh cảnh lúa ma, sinh cảnh đồng cỏ năn và hội đoàn sen-súng.


Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những cánh chim tìm về tổ ấm

Men theo các dòng kênh nhỏ trong KBT với hương thơm dịu nhẹ từ những vạt rừng tràm hàng chục tuổi và những cánh đồng sen, súng, chúng tôi như lạc trong thế giới hoang dã của những loài chim. Dọc theo các con kênh, từng đàn cò trắng hàng ngàn con cùng còng cọc, điên điển,... thi nhau đáp xuống. Trên bầu trời, những cánh chim tìm về KBT trú ngụ đặc kín, khiến chúng tôi không khỏi thích thú. “Mỗi năm, vào mùa nước nổi, nơi đây là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn cá thể chim. Mỗi mùa chim về làm tổ, người ta ước lượng chúng có thể đậu kín cả một vạt rừng rộng chừng 50ha. “Có khi đang là những vạt rừng xanh tốt, vậy mà chỉ sau 1 đến 2 mùa chim về làm tổ, toàn bộ dần xơ xác rồi chết khô; không một cây nào là không có chim làm tổ, có những cây, số lượng tổ chim lên tới gần 20 tổ. Từ cò trắng, còng cọc, diệc xám, đôi khi là những loài chim quý hiếm có mặt trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như điên điển, quắm đen, giang sen, thậm chí sếu đầu đỏ cũng tìm về hằng năm...” - Phó Giám đốc KBT - Nguyễn Công Toại cho biết.


Đồng sen giữa khu bảo tồn

Theo ông Toại, có được kết quả ấy chính là nhờ sự nỗ lực của tập thể KBT, cũng như việc chung tay, góp sức của chính quyền và người dân. Nhất là khi KBT trở thành khu Ramsar của thế giới thì công tác bảo tồn lại càng được quan tâm hơn nữa. Đây cũng là mong ước chung của cán bộ, nhân viên trong KBT cũng như của người dân trong vùng, để những cánh đồng năn, cộng đồng sen-súng, những cánh đồng lúa ma sẽ còn mãi xanh tươi và những đàn chim vẫn mãi chọn Láng Sen làm nơi trú ngụ, tung cánh giữa Đồng Tháp Mười.

KBT Đất ngập nước Láng Sen với tổng diện tích 4.802ha, chia làm 12 tiểu khu, trong đó, riêng khu vực vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích khoảng 2.000ha, khu rừng tràm kinh tế với diện tích 1.200ha và vùng đa dạng sinh học nằm trong 3 xã: Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Việc tồn tại của KBT sẽ góp phần vào việc bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ các nguồn gene quý hiếm thông qua các biện pháp bảo vệ như cấm săn bắt, phá rừng, chặt cây, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân trong vùng. Ngày 22-5-2015, KBT Đất ngập nước Láng Sen chính thức được công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 trên thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam.

 Nhật Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích