Tiếng Việt | English

27/11/2015 - 12:01

Kiểm ngư chính thức được giao thẩm quyền điều tra

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày (26/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với 86,44% tổng số đại biểu tán thành.

Một điểm quan trọng trong Luật là việc quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân và cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Về đề nghị bổ sung cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế gần các Cơ quan điều tra chuyên trách nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Thuế. 

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng ở vùng sâu, vùng xa. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, bổ sung quy định này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.

Về đề nghị nâng thời hạn điều tra cho tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã nâng thời hạn điều tra từ 20 ngày lên 30 ngày đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng là phù hợp với thực tiễn

Theo đó, điểm a, khoản 1 Điều 32 quy định rõ: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Luật cũng không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm hỗ trợ hoạt động điều tra.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng.

Luật giao cho các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp.

Cũng trong chiều nay, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Biểu quyết thông Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết