Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 21:07

Kiến nghị Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về văn hóa – xã hội

Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tổ chức lấy ý kiến lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và những khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị với Trung ương. Báo Long An lược trích một số ý kiến đóng góp của UBND tỉnh và các sở, ngành ở lĩnh vực văn hóa - xã hội,…

Lĩnh vực Y tế

Kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức lương hợp lý cho cán bộ y tế, bởi vì hiện nay, trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, có nhiều quy định cho cán bộ y tế phải nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mức lương và thu nhập từ lương của cán bộ y tế chưa ngang tầm với các nước trong khu vực, làm nhiều cán bộ y tế bỏ việc. 

Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

Kiến nghị thành lập đơn vị trung gian để giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì hiện nay giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa là cơ quan quản lý quỹ khám, chữa bệnh, vừa là cơ quan giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Như vậy có lúc chưa khách quan.

Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội

Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung quy định việc giám định lại và giám định bổ sung cho các đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bởi vì hiện nay, người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng, nay bệnh trở nặng hoặc xin khám bổ sung thêm một số bệnh khác (cũng thuộc danh mục 17 bệnh theo Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn khám giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ) nhưng chưa có quy định giám định bổ sung. 

Lĩnh vực văn hóa

Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Chính phủ theo hướng đưa nội dung đầu tư di tích lịch sử vào danh mục được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, nhằm huy động thêm các nguồn lực của xã hội phục vụ cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương.

Về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử (không có kết nối mạng internet và không phải là trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài), thời gian qua, hoạt động trò chơi điện tử (phổ biến nhất là máy bắn cá) phát sinh những biểu hiện thiếu lành mạnh, lợi dụng để đánh bạc hoặc có thưởng không đúng quy định pháp luật, gây bức xúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, trật tự, an toàn xã hội.

Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử. Theo đó, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm duyệt và dán tem, nhãn kiểm soát đối với toàn bộ máy trò chơi điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ thực hiện việc kiểm tra hoặc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với hàng hóa (trong đó bao gồm máy trò chơi điện tử) do thương nhân thuộc địa phương nhập khẩu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với máy trò chơi điện tử sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (kể cả quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với máy trò chơi điện tử không có dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành). 

Mặt khác, văn bản pháp quy về việc quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử ban hành trước đây là Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến nay không còn phù hợp để điều chỉnh, quản lý loại hình hoạt động này. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thống nhất trong cả nước.

 Nhạc sống, nhạc kẹo kéo là thú vui của một số người nhưng ảnh hưởng đến những người xung quanh

Hiện nay, hoạt động của các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê “dàn nhạc sống, karaoke di động” đang phát triển mạnh. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, phát sinh một số biểu hiện tiêu cực, gây ồn ào, huyên náo, ảnh hưởng đến việc học tập, công tác, sức khỏe, giờ nghỉ ngơi của mọi người. Kiến nghị Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch sớm ban hành các Nghị định và Thông tư quản lý hoạt động này./.

PBĐ (lược trích)

Chia sẻ bài viết