Tiếng Việt | English

14/03/2020 - 09:39

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An có tình trạng các đối tượng thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả, giả người yêu cầu công chứng đến các văn phòng công chứng (VPCC) lừa dối công chứng viên (CCV) ký vào hợp đồng công chứng nhằm chiếm đoạt tài sản

Tỉnh Long An được đánh giá là một trong số các địa phương có mạng lưới và hoạt động công chứng phát triển mạnh nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh Long An được đánh giá là một trong số các địa phương có mạng lưới và hoạt động công chứng phát triển mạnh nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Có tình trạng dùng giấy tờ giả đi công chứng

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuất hiện đối tượng có hành vi sử dụng giấy tờ giả đến các VPCC để lừa dối CCV ký vào hợp đồng công chứng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 3/2018, vợ chồng đối tượng Nguyễn Quang Thái và Võ Thị Bích Ngân, cùng 31 tuổi, ngụ TP.Tân An, hẹn ông Phạm Đình Phúc, ngụ phường 7, TP.Tân An, đến VPCC Phạm Thị Hiên làm hợp đồng vay thế chấp giấy đăng ký xe ôtô hiệu KIA CERATO của Võ Thị Bích Ngân để vay của ông Phúc 150 triệu đồng trong thời hạn 5 tháng. Do đã xem giấy chứng nhận đăng ký xe và trực tiếp xem xe nên ông Phúc không mảy may nghi ngờ. Tại VPCC, sau khi giao 150 triệu đồng cho 2 vợ chồng Thái và Ngân và chờ hoàn tất hợp đồng thì bất ngờ lực lượng Công an phường 3, TP.Tân An ập vào mời cả 3 về trụ sở làm việc. Lúc này, ông Phúc mới vỡ lẽ trong lúc kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký xe để làm hợp đồng, VPCC Phạm Thị Hiên phát hiện đây là giấy tờ giả nên âm thầm báo công an.

Tại cơ quan điều tra, Thái và Ngân đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khai với cơ quan điều tra, Thái cho biết, trong lúc Công ty TNHH Thực phẩm An Thịnh Food do Thái làm quản lý đang gặp khó khăn về tài chính nên đã bàn với vợ làm giả giấy tờ xe để thế chấp vay tiền. Thực hiện hành vi, ngày 23/3/2018, Thái lên Internet đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô của một nam thanh niên không rõ nhân thân, lai lịch với giá 10 triệu đồng và hẹn 3 ngày sau nhận giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả tại Công viên phường 3, TP.Tân An. Có được giấy tờ xe giả, Thái và Ngân đã gặp ông Phúc để thực hiện hành vi lừa đảo. Cuối năm 2019, vụ việc được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP.Tân An. Trước tính chất phức tạp, nguy hiểm của hành vi, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.Tân An đã quyết định tuyên phạt mức án 5 năm 6 tháng tù cho bị cáo Thái và mức án 4 năm tù đối với bị cáo Ngân cùng về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động công chứng và các hoạt động liên quan đến hoạt động công chứng. Tuy nhiên, qua nắm tình hình và phản ánh của tổ chức, cá nhân, hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, tồn tại nhất định như trình tự, thủ tục công chứng tại một số VPCC chưa bảo đảm theo quy định, đạo đức nghề nghiệp một vài CCV còn chưa thể hiện đúng mực. Bên cạnh đó, hoạt động công chứng, chứng thực còn nhiều tiềm ẩn, rủi ro. Trong đó, xuất hiện tình trạng các đối tượng thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả, giả người yêu cầu công chứng đến các VPCC lừa dối CCV ký vào hợp đồng công chứng nhằm chiếm đoạt tài sản đã xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chấn chỉnh hoạt động công chứng

Trước tình trạng đó cũng như bảo đảm hoạt động công chứng đi vào nề nếp, đúng theo quy định pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Tư pháp trực tiếp chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương kịp thời tham mưu các giải pháp giúp UBND tỉnh tăng cường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Trong đó, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng. Đối với các trường hợp vi phạm, kiên quyết áp dụng xử lý bằng các hình thức như tước quyền sử dụng thẻ CCV, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của VPCC cũng như tham mưu UBND tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập VPCC đối với các trường hợp vi phạm của CCV, VPCC theo quy định. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương phối hợp Sở Tư pháp, các VPCC, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp đối tượng sử dụng giấy tờ giả, giả người yêu cầu công chứng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, kiên quyết đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng công chứng, thế chấp. Lãnh đạo ngân hàng nào để cán bộ tín dụng thực hiện sai quy định thì tùy theo tính chất, mức độ phải chịu trách nhiệm. Đối với những vướng mắc, khó khăn, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cần phối hợp Sở Tư pháp, các cơ quan chức năng liên quan để được hướng dẫn tháo gỡ, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Riêng đối với Hội CCV cần tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm, tuyên truyền, quán triệt đến các VPCC về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trong thời gian qua để các VPCC, CCV nắm bắt, từ đó có biện pháp phòng ngừa vi phạm cũng như kịp thời thông báo, phối hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan công an về những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động công chứng. Ngoài ra, Hội CCV phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của hội viên là CCV tại các VPCC về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký hoạt động, hành nghề công chứng; trình tự, thủ tục, điều kiện đúng, đủ khi thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch; tuân thủ quy định về đạo đức hành nghề công chứng; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý hoặc thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng của VPCC, CCV trong hoạt động hành nghề, Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 VPCC với 68 CCV, hoạt động tại 14/15 địa phương trong toàn tỉnh. Hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng đều được bố trí hợp lý gắn với địa bàn dân cư. Năm 2018, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc chuyển đổi 4 phòng công chứng thành 4 VPCC để thống nhất 1 loại hình hoạt động là VPCC. Tỉnh Long An được đánh giá là một trong số các địa phương có mạng lưới và hoạt động công chứng phát triển mạnh nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết