Tiếng Việt | English

23/02/2018 - 14:14

Kiếp “tằm” mãi vương “tơ”

Đầu xuân, chúng tôi gặp gỡ những người có “nợ” văn chương, nghệ thuật,... để nghe những lời tâm sự và hiểu rằng, họ như kiếp “tằm” mãi vương “tơ” chỉ vì tình yêu với con đường đã chọn.

Đau đáu

Chúng tôi gặp soạn giả Diệp Vàm Cỏ - người dành hơn nửa cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác vào một ngày xuân nắng đẹp. Ông bắt đầu sáng tác các bài vọng cổ, viết kịch bản cải lương từ năm 1986 đến nay. Hàng trăm “đứa con tinh thần” ra đời, làm say lòng người mộ điệu. Cái tên Diệp Vàm Cỏ cũng đi vào lòng bao thế hệ người yêu ca cổ, cải lương.

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác ca cổ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017

Dù đoạt nhiều huy chương trong liên hoan truyền hình, liên hoan phát thanh cấp toàn quốc qua các năm nhưng soạn giả Diệp Vàm Cỏ vẫn không ngừng sáng tác! Năm 2017, ông vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác ca cổ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là kết quả sau những nỗ lực không ngừng của ông.

Trong quá trình sáng tác, soạn giả Diệp Vàm Cỏ luôn trăn trở về việc lời hát đờn ca tài tử chưa dễ đi vào lòng người như vọng cổ hoặc cải lương. Điều đó thôi thúc soạn giả ấp ủ và viết bài bản cho đờn ca tài tử từ một số bài thơ nổi tiếng từng đi vào lòng người: Màu tím hoa sim, Quê hương, Vàm Cỏ Đông. Đó không chỉ là thách thức mà còn là sự nỗ lực không ngừng của một soạn giả trót “phải lòng”, nặng nợ với bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Soạn giả nhận xét, viết lời cho đờn ca tài tử không đơn giản. Ngoài đúng nhạc, vần, điệu, lời hát còn phải đáp ứng yêu cầu về thanh, âm nên trước giờ, lời của các bài đờn ca tài tử ít nhiều bị khô cứng. Nhưng, không vì thế mà lời của đờn ca tài tử không thể bổng trầm, lãng mạn. Và soạn giả Diệp Vàm Cỏ đang cố gắng chứng minh điều đó. Đưa những “đứa con tinh thần” vừa khai sinh đến với người nghe là một hành trình không hề đơn giản mà soạn giả Diệp Vàm Cỏ “bắt” mình phải tự vượt qua và chính tình yêu nghệ thuật là động lực to lớn.

Ấp ủ

Chia tay soạn giả Diệp Vàm Cỏ, chúng tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng, người say mê và sống vì nhiếp ảnh. Là Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Long An, con số giải thưởng mà nghệ sĩ đoạt hàng năm không dưới 10 giải nhưng anh vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi về bộ môn nghệ thuật này.

Một tác phẩm nhiếp ảnh ra đời đòi hỏi người nghệ sĩ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tư duy và cả kỹ thuật. Với lòng say mê, tư duy sáng tạo, nghệ sĩ Duy Bằng sáng tác rất nhiều tác phẩm độc đáo ngay từ cuộc sống hàng ngày.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng “biến” một điều bình thường trong cuộc sống thành một tác phẩm đoạt giải thưởng trong cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2018 (tác phẩm Lễ đón dâu)

Theo nghệ sĩ, nghệ thuật không ở đâu xa mà ở quanh mình”. Khẳng định cho câu nói của mình, năm 2017, nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng “biến” một điều bình thường trong cuộc sống thành tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng trong cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2018. Đó là một buổi đón dâu qua cái nhìn của người nghệ sĩ cũng trở nên đặc biệt, sinh động hơn.

Nghệ sĩ Duy Bằng không hề tự mãn với những gì đã đạt, bởi với anh, kiến thức là vô tận và nghệ thuật là muôn hình vạn trạng, nếu ngừng học hỏi, trao đổi sẽ dễ thụt lùi so với người khác. Anh khẳng định: “Chia sẻ và học hỏi là điều quan trọng nhất để phát triển”.

Nghệ sĩ Duy Bằng còn là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ, phần mềm mới vào chụp và xử lý ảnh để nâng cao chất lượng từng tác phẩm. Và, người nghệ sĩ ấy luôn ấp ủ dự kiến mở một cuộc triển lãm các tác phẩm ảnh của mình.

Anh chia sẻ: “Tôi lên kế hoạch về việc mở cuộc triển lãm cá nhân nhưng từ ý tưởng đến thực tế cần thời gian dài để chuẩn bị. Ngay từ bây giờ, tôi bắt đầu chú ý sáng tác theo chủ đề triển lãm đã chọn để bảo đảm nội dung cũng như sự gắn kết của từng tác phẩm”.

Say mê

Sau cuộc gặp gỡ với hai nghệ sĩ, soạn giả tài năng, chúng tôi nhận ra, hai người ấy có một điểm chung là tình yêu với con đường đã chọn. Đó có thể là con đường đầy chông gai, vất vả nhưng họ chưa bao giờ bỏ cuộc. Và một lần nữa, chúng tôi lại cảm nhận được tình yêu ấy từ nhà báo Lê Đức, Báo Long An. Ðến năm 2018, tròn 10 năm anh theo nghiệp “cầm bút”. 10 năm không quá dài với người làm báo nhưng đủ để nhận ra, anh là một người yêu và “máu lửa” với nghề.

Dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần có tình yêu và sự quyết tâm, chắc hẳn thành công rồi sẽ đến (Trong ảnh: Nhà báo Lê Đức trong chuyến công tác ra nhà giàn DK1)

Năm 2017, anh có nhiều tin, bài được đăng tải hơn so với các năm trước, cũng là năm “rinh” được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi báo chí trong và ngoài tỉnh. Nhưng, điều khiến anh hài lòng hơn hết là những tin, bài phản ánh kịp thời, mang tính thời sự, hướng về đời sống, tạo được hiệu ứng xã hội và được ngành chức năng quan tâm, giải quyết kịp thời. 

Nói về điều này, anh chia sẻ: “Niềm vui của tôi là những lần bạn đọc lúc thì gọi tôi là Lê Đức nhưng cũng có lúc gọi là Vũ Quang - bút danh thường sử dụng trên báo. Những lần được người dân (nhân vật trong bài viết) gọi điện, nhắn tin cảm ơn, có lần còn mời về nhà ăn giỗ, chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong nghề...”.

Anh còn “bật mí” với chúng tôi, cơ quan báo chí nơi anh làm có nhiều nhiệm vụ mới trong kế hoạch của năm mới. Vì vậy, năm 2018 sẽ là một năm công việc bộn bề với anh và đồng nghiệp. Yêu nghề, anh tự nhủ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiệt tình và trách nhiệm nhiều hơn nữa với công việc.

Mày mò, tìm hiểu, đi cơ sở, bám sát thực tiễn cuộc sống để có những tin, bài mang tính thời sự, định hướng, phản ánh đúng bản chất là điều không thể thiếu đối với nhà báo Lê Đức!

“Nghề báo là “thư ký thời đại”. Vì thế, tôi nỗ lực học tập, cố gắng sáng tạo, nhanh nhạy với những vấn đề diễn ra trong cuộc sống để có thể đưa nhiều thông tin đến bạn đọc. Để nâng cao nghề nghiệp của mình, tôi luôn ý thức học hỏi, nghiên cứu những kỹ năng, phương pháp làm báo mới nhằm  áp dụng vào thực tế sao cho hiệu quả. Là người làm báo, trước những vấn đề, sự việc, tôi luôn đặt câu hỏi vì sao để tìm giải đáp. Tôi cũng luôn tự hỏi “ai là nhà báo người dân cần?” để nỗ lực làm việc hơn” - nhà báo Lê Đức bộc bạch.

Nỗ lực

Yêu vẫn chưa đủ, phải chăm chỉ, nỗ lực không ngừng thì mới có thể từng bước có được thành công. Nhà báo Thanh Nga là một người như vậy! Chị đến với nghề một cách ngẫu nhiên nhưng lại gắn bó bằng tất cả trách nhiệm. Mỗi tin, bài của chị đều phải cẩn thận, chính xác.

Trong công việc, chị luôn thể hiện mình là người đáng tin cậy khi được giao những nhiệm vụ khó. Năm 2017, nhà báo Thanh Nga đoạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi báo chí trong và ngoài tỉnh.

Nhà báo Thanh Nga

Bằng sự tỉ mỉ, cẩn thận và tinh thần trách nhiệm cao, chị dần nâng tầm tác phẩm của mình. Chị không muốn “sinh ra” một “đứa con tinh thần” khi chưa đủ tháng ngày ấp ủ.

Bước vào năm mới với khí thế mới, chị vẫn nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao và quyết tâm “chạm tay” vào một mảng đề tài mà chưa bao giờ viết. Chị nói rằng, đó là một điều không hề dễ nhưng chị muốn thử sức mình. Và chúng tôi chúc chị thành công!

Dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần có tình yêu và sự quyết tâm, chắc hẳn thành công sẽ đến. Đâu phải ngẫu nhiên mà soạn giả Diệp Vàm Cỏ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng, nhà báo Lê Đức và nhà báo Thanh Nga được nhiều người biết đến!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết