Tiếng Việt | English

26/10/2018 - 05:45

Kinh tế đang bước vào quỹ đạo phát triển mới

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2017 của tỉnh Long An đạt khoảng 9,29% và 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 10,96%. Các con số này cho thấy tỉnh đạt những dấu ấn quan trọng, thể hiện sự đột phá và tạo động lực cho những năm tiếp theo.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc thông qua vốn đăng ký đầu tư tăng dần hàng tháng, suất đầu tư tăng lên

Từ đầu năm 2018 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc thông qua vốn đăng ký đầu tư tăng dần hàng tháng, suất đầu tư tăng lên

Kết quả nổi bật

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt 57.265 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng đạt 9,05% (kế hoạch 9%). Năm 2017, GRDP đạt 70.319 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng đạt 9,53%. 6 tháng đầu năm 2018, GRDP đạt 37.416 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng đạt 10,96%, trong đó, cả 3 khu vực: I (nông - lâm - ngư nghiệp), II (công nghiệp, xây dựng), III (thương mại - dịch vụ) có mức tăng lần lượt là 5,12% - 15,72% và 9,12%. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (6 tháng năm 2016 tăng 7,6%; 6 tháng năm 2017 tăng 8,81%). 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Đây là dấu ấn quan trọng để tỉnh tiếp tục đột phá trong những năm tiếp theo. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt là sự định hướng chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và các cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện giúp tỉnh có cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ sự phát triển KT-XH. 

Trong quá trình phát triển kinh tế, ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, chỉ số phát triển công nghiệp duy trì tăng trưởng khá cao (năm 2016 tăng 13,4%; năm 2017 tăng 16,2%; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 16,19%). Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với 98%. Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, đây là kết quả của cơ chế, chính sách trong việc tiếp nhận đầu tư và môi trường kinh doanh trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Đồng thời, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm xây dựng phục vụ DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển.

Xuất khẩu (XK) duy trì mức tăng trưởng khá cao, cụ thể năm 2016 tăng 14,9%, năm 2017 tăng 19,7%, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 20,9%. Mặt hàng XK đang có xu hướng dịch chuyển dần từ nhóm hàng nông sản sang nhóm hàng công nghiệp. Chất lượng sản phẩm XK được cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh, kim ngạch XK hàng công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch XK của tỉnh, kim ngạch XK hàng nông sản - thủy sản chiếm 20%. Đồng thời, thị trường XK không ngừng được mở rộng, chất lượng sản phẩm XK tiếp tục được cải thiện. Năm 2017, có 26 thị trường XK trên 10 triệu USD, trong đó có 8 thị trường XK trên 100 triệu USD. 

Cơ hội tăng trưởng

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần phấn khởi: “Kết quả tăng trưởng kinh tế nổi bật của tỉnh thời gian qua nhờ môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện; đồng thời, công tác xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn thông qua nhiều hình thức như tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Do đó, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức khá cao. Đặc biệt năm 2017, chỉ số PCI của tỉnh xếp vị trí thứ 4 trên toàn quốc, điều này cho thấy Long An đang được nhà đầu tư đánh giá cao. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc thông qua vốn đăng ký đầu tư tăng dần qua hàng tháng, suất đầu tư tăng lên. Điều này khẳng định, kinh tế của tỉnh đang bước vào quỹ đạo phát triển mới, cơ hội, thách thức đan xen và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Trưởng nhóm kết cấu hạ tầng Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Chí Minh chia sẻ: “Công ty cảm nhận rằng, nhà đầu tư hạ tầng lẫn chính quyền tỉnh Long An luôn tạo niềm tin cho DN thông qua các cơ chế, chính sách liên quan. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến nay, doanh thu của công ty rất ổn định. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất 20.000 tấn máy móc, trong đó 70% phục vụ thị trường trong nước, 30% XK sang các nước trong khu vực Asia”. 

Sản xuất tại Nhà máy Thép TVP

Sản xuất tại Nhà máy Thép TVP

Công ty Cổ phần Thép TVP (huyện Bến Lức) được biết đến là đơn vị sản xuất sắt thép, tole mạ màu, mạ kẽm, tole lạnh, ống thép các loại,... Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép TVP - Ninh Thị Bích Thùy cho rằng: “Thời gian qua, chính quyền tỉnh luôn lắng nghe và tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Điều này tạo điều kiện cho DN đồng hành và phát triển cùng tỉnh nhà. Thép TVP đang đầu tư trên 35 dây chuyền sản xuất ống thép, 4 dây chuyền mạ kẽm, 2 dây chuyền mạ lạnh, 2 dây chuyền mạ màu,... với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng. Đến nay, thép TVP XK đến trên 30 nước. Doanh thu năm 2017 đạt trên 4.365 tỉ đồng, dự kiến năm 2018 tăng lên 6.000 tỉ đồng”.

Trước những cơ hội, thách thức đan xen trong phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh xác định tiếp tục thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp lý bình đẳng để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong đó, tập trung triển khai mạnh đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, có giải pháp tích cực, hiệu quả huy động tối đa nguồn lực ngoài Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết