Tiếng Việt | English

23/10/2017 - 19:45

Kinh tế số hóa: Thách thức các mô hình tổ chức thay đổi cấp bách

Kinh tế số hóa đặt ra các thách thức, từ cá nhân, doanh nghiệp đến Chính phủ đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải giải quyết các bài toán cân bằng giữa lợi ích giữa các bên.

Hội thảo “Kinh tế số hóa -Thế giới không chờ chúng ta” đã được tổ chức tại Hà Nội, 23/10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 23/10, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế số hóa -Thế giới không chờ chúng ta” tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế số hóa hàng năm - VDEF (Vietnam Digital Economy Forum).

Sự kiện đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín quốc tế và Việt Nam đến trao đổi, chia sẻ thông tin, như ông Sophie Pène (Phó chủ tịch Hội đồng quốc gia về Số hóa - Chính phủ Pháp), ông Aymeril Hoang (Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Tài chính quốc tế Société Générale, 150.000 nhân viên trên toàn cầu), ông Bertrand Hassini (Trưởng Ban Khoa học Dữ liệu, Tập đoàn tư vấn toàn cầu Capgemini, 190.000 nhân viên trên 30 quốc gia), ông Thân Trọng Phúc (Giám đốc điều hành lĩnh vực Đầu tư Công nghệ - Quỹ VinaCapital); ông Nguyễn Thành Nam (Phó Chủ tịch Đại học FPT kiêm Chủ tịch Đại học trực tuyến FUNix).

Tại đây, các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, mô tả toàn cảnh “bức tranh kinh tế số,” với sự xuất hiện và sức mạnh lan tỏa của các mô hình kinh tế mới, tác động ảnh hưởng từ quốc gia đến khu vực, từ cá nhân con người đến các doanh nghiệp, tập đoàn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới được tạo ra, với những biến đổi căn bản trong các ngành công nghiệp. Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các start-up phát triển trên nhiều lĩnh vực, như hạ tầng tin, sản xuất xe ôtô, hàng không vũ trụ, giao dịch tài chính...

Trên thị trường nội địa, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab, Facebook, Viber… đã tạo ra những dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng đồng thời tận dụng rất hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Theo đó, họ cũng tạo ra những áp lực lên các với mô hình doanh nghiệp truyền thống.

Trước bối cảnh đó, từ cá nhân, doanh nghiệp đến Chính phủ đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải giải quyết các bài toán thông qua các công cụ hành chính và chính sách, để có thể cân bằng giữa lợi ích giữa các bên kinh tế một cách bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn thế nữa những dự báo về tương lai, các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội sẽ đặt ra vấn đề lớn về nguồn nhân lực.

Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Oxford, Tập đoàn tư vấn McKinsey dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bằng các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới.

Tỉ lệ này còn cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, bởi giá trị gia tăng của lực lượng lao động còn rất thấp so với mức trung bình của thế giới.

Các diễn giả cũng cảnh báo, những nhu cầu về đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước đang trở nên rất cấp bách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh thách thức cũng có cơ hội, tuy nhiên bài toán chiến lược đặt ra với Chính phủ trong giai đoạn then chốt là những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, tránh những nguy cơ tụt hậu, khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị trên mọi phương diện./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết