Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 09:34

Mua bán đất bằng giấy ủy quyền, vi bằng: Nguy cơ “tiền mất, tật mang”!

Kỳ 1: Rắc rối cho cả kẻ bán lẫn người mua

Tình trạng mua bán đất thông qua giấy ủy quyền, vi bằng, giấy tay đang là thực trạng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, việc mua bán đất theo hình thức này chứa nhiều rủi ro, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, người mua đất thường là người chịu thiệt thòi.


Bà Nguyễn Ngọc Thùy vướng tranh chấp, khiếu khiện khi thực hiện giao dịch mua bán đất bằng hình thức vi bằng

2 năm chưa đòi được tiền sau thỏa thuận mua đất bằng vi bằng

Sau khi liên hệ và thỏa thuận mua đất với giá 280 triệu đồng, 2 bên tiến hành lập thủ tục vi bằng để ghi nhận thỏa thuận này. Thế nhưng sau khi chồng đủ số tiền 120 triệu đồng đặt cọc như cam kết, suốt 2 năm qua, bà Nguyễn Ngọc Thùy, 45 tuổi, ngụ phường 12, quận 10, TP.HCM không thể nhận được đất cũng không thể lấy lại số tiền đặt cọc và vướng vào tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thùy, sau khi tìm hiểu, bà quyết định liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, 40 tuổi, ngụ phường 14, quận 11, TP.HCM để thỏa thuận mua 100m2 đất thuộc một phần thửa đất số 2665, tờ bản đồ số 2, tại ấp Tân Phước, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Thực hiện việc mua bán đất, bà Thùy cùng bà Hồng đến Văn phòng Thừa phát lại quận 8, TP.HCM tiến hành lập vi bằng vào ngày 19/01/2015 để ghi nhận lại sự việc cũng như làm chứng cứ về sau. Trong đó, thỏa thuận việc bà Hồng có trách nhiệm chuyển nhượng đất cho bà Thùy và bà Thùy có nghĩa vụ trả trước 120 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất. Bên cạnh đó, giữa bà Thùy và bà Hồng còn thỏa thuận việc đền bù nếu không thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng.

Tuy nhiên, sau khi giao tiền đặt cọc, nhiều tháng trời, bà Thùy liên tục yêu cầu bà Hồng làm thủ tục chuyển nhượng và giao đất thì bà Hồng lẩn tránh, không hợp tác. Trước sự việc trên, bà Thùy nhiều lần liên hệ với chính quyền địa phương cũng như tố cáo hành vi của bà Hồng. Song bà Hồng vẫn không xuất hiện và chính quyền địa phương cũng không thể giải quyết do vượt quá trách nhiệm. Không nhận được đất cũng không lấy lại được tiền cọc, tháng 7/2016, bà Thùy quyết định khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc. Đến nay, dù tòa sơ thẩm tuyên bà Thùy thắng kiện nhưng hiện bà vẫn chưa thể nhận lại được tiền từ bà Hồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Kim - Nguyễn Văn Ca, trước khi vụ việc được chuyển qua tòa án giải quyết, UBND xã cũng nhiều lần nhận được đơn của bà Thùy và tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng phía bà Hồng trốn tránh không dự hòa giải.

Còn việc bà Thùy nói đang giữ sổ đất của bà Hồng và có đơn ngăn chặn nhưng xã vẫn làm thủ tục để cấp lại, ông Nguyễn Văn Ca cho biết: “Trong quá trình giao dịch, phía bà Thùy cho rằng, phần đất bà Hồng bán cho bà hiện đang đứng tên bà Nguyễn Thị Ngọc Mool và lấy sổ đất này đồng thời yêu cầu không cấp sổ mới. Tuy nhiên, ngày 27/9/2016, xã nhận được đơn cớ mất của bà Mool được UBND xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, nơi bà Mool cư ngụ xác nhận, nên xã tiếp nhận và làm các thủ tục thông báo công khai theo quy định trước khi có văn bản đề nghị cấp lại cho bà Mool. Theo yêu cầu của bà Thùy, ngày 31/8/2017, xã có văn bản đề nghị Phòng công chứng ngăn chặn, không cho chuyển nhượng liên quan đến thửa đất 2665 do đang tranh chấp. Còn hiện tại thửa đất 4192 do bà Mool đứng tên hoàn toàn không liên quan đến đến thửa đất 2665 đang tranh chấp giữa bà Thùy và bà Hồng”.

Mặt khác, ông cũng cho biết, những năm trước, có trường hợp người dân đến xã tố cáo việc bà Hồng bán đất, nhận tiền nhưng không tiến hành giao đất. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, hiện bà Hồng đã thế chấp thửa đất này cho một quỹ tín dụng trên địa bàn huyện nhưng đến kỳ chưa thanh toán và đơn vị quỹ tín dụng đã có văn bản đề nghị địa phương tạm dừng không cho thực hiện việc chuyển nhượng đối với thửa đất này. Liên hệ với bà Hồng, bà xác nhận trước đây có thực hiện giao dịch thông qua vi bằng về việc chuyển nhượng đất đối với bà Thùy. Tuy nhiên, hiện nay cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đang thụ lý giải quyết, nên việc xét xử như thế nào cứ để cho tòa án quyết định.

Hợp đồng ủy quyền, rắc rối kéo dài

Trong vụ việc này, mặc dù đã chuyển nhượng thửa đất này cho bà Hồng từ năm 2014 nhưng việc chuyển nhượng chỉ được lập bằng giấy ủy quyền khiến chủ đất cũ cũng chịu rắc rối trong việc liên đới trách nhiệm bồi thường tiền cọc cho bà Thùy theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thửa đất 2665 mà bà Hồng hứa chuyển nhượng cho bà Thùy trước đây thuộc quyền sử dụng của ông Phan Hoàng Khôi và bà Huỳnh Thị Kim Tuyết, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc. Ngày 13/01/2014, ông Khôi và bà Tuyết ủy quyền cho bà Hồng được quyền nhân danh ông Khôi, bà Tuyết thực hiện việc quản lý, sử dụng, chuyển nhượng đối với thửa đất này. Khi vụ việc được đưa ra Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc xét xử, ông Khôi được triệu tập với vai trò bị đơn và có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền cọc cho bà Thùy.

Ông Khôi bức xúc: “Nói là ủy quyền chứ trên thực tế tôi đã chuyển nhượng hoàn toàn phần đất này cho bà Hồng và chỉ 3 ngày sau (ngày 16/01/2014), bà Hồng đã chuyển nhượng lại phần đất này cho bà Lương Thị Bạch Loan, ngụ quận 7, TP.HCM. Và giấy chuyển nhượng này được điều chỉnh thay đổi chủ sử dụng đất. Sau đó, bà Loan lại làm giấy ủy quyền ngược lại cho bà Hồng. Giờ bà Hồng không giao đất, người ta kiện đòi tiền thì bà Hồng phải có trách nhiệm chứ đâu liên quan đến tôi. Việc bà Hồng chuyển nhượng dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện vượt quá phạm vi ủy quyền nên tôi không có nghĩa vụ thực hiện việc bồi thường tiền cọc cho bà Thùy”.

Tuy nhiên, nhận định của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc, ông Khôi, bà Tuyết khi làm hợp đồng ủy quyền cho bà Hồng có nội dung bà Hồng được quyền chuyển nhượng đối với thửa đất số 2665, nên bà Hồng không vượt quá phạm vi ủy quyền. Do đó, Tòa án huyện Cần Giuộc khẳng định, ông Khôi và bà Tuyết phải có trách nhiệm do bà Hồng xác lập trong phạm vi ủy quyền. Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc đối với “tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền dử dụng đất” giữa bà Hồng và bà Thùy thì ngoài bà Hồng, ông Khôi và bà Tuyết, chủ đất cũ phải có trách nhiệm liên đới trả cho bà Thùy số tiền 240 triệu đồng (thỏa thuận đền gấp đôi tiền đặt cọc). Rõ ràng việc mua bán đất không làm hợp đồng chuyển nhượng, chỉ thực hiện bằng hợp đồng ủy quyền sẽ kéo theo rất nhiều rắc rối cho cả người bán lẫn kẻ mua./.

Kiên Định
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết