Tiếng Việt | English

05/09/2016 - 10:07

Để thanh long bay xa

Kỳ 1: Thanh long bén rễ trên đất Châu Thành

Thanh long là loại cây trồng phổ biến, từ là cây trồng giúp nông dân giảm nghèo trở thành loại cây trồng làm giàu cho huyện Châu Thành. Thanh long được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.


Trước đây, ở Châu Thành không có nhiều người trồng thanh long, nếu có trồng thì mỗi nhà cũng chỉ trồng 2-3 gốc cho đeo bám trên các loại cây xanh có trong vườn

Đôi nét về cây thanh long

Thanh long có tên tiếng Anh là Pitahaya hay còn gọi là Dragon fruit, thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc ở các vùng sa mạc thuộc Mexico và Colombia. Thanh long là loài cây được trồng chủ yếu để lấy trái. Trái thanh long có 3 loại: Ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ, ruột trắng với vỏ vàng, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá. Các hạt bên trong quả thanh long giống như hạt mè đen nằm lẫn lộn trong ruột. Lớp cùi thịt trong ruột thường được ăn ở dạng trái tươi. Ngoài dùng ăn tươi, quả thanh long có thể chế biến thành nước ép hay rượu vang, kẹo, coktail,...

Thanh long là loại trái cây được nhiều người ưa thích không chỉ bởi vị ngọt thanh mà còn tốt cho sức khỏe. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mỗi quả thanh long chứa khoảng 60 calo và rất giàu vitamin C, B1, B2 và B3 cũng như các khoáng chất như sắt, canxi và phospho. Vì thế, ăn quả thanh long sẽ tốt cho tim, hỗ trợ tiêu hóa, phòng bệnh ung thư, ngăn chặn chứng viêm khớp, tốt cho người bệnh tiểu đường, giảm dấu hiệu lão hóa, bảo vệ tóc khỏi hư tổn, giảm cân, làm mịn da, điều trị mụn trứng cá,...


Thanh Long ở Châu Thành hiện nay

"Có duyên" với đất Châu Thành

Theo những người cao tuổi ở huyện Châu Thành, cây thanh long xuất hiện ở vùng đất này từ rất lâu, nhưng không ai biết chính xác nó có khi nào và ai là người trồng đầu tiên. Ông Trương Đình Kiết, 86 tuổi, ngụ ấp Nhà Việc, xã An Lục Long là một trong những người có thể nói là trồng thanh long lâu năm ở địa phương cho biết, ông cũng không biết cây thanh long có trên đất Châu Thành năm nào và ai là người trồng đầu tiên.

Ông chỉ nhớ năm 1948, khi ông được 18 tuổi thì ba ông đem một nhánh thanh long về “thả” trên cây me chua trong vườn. Thấy lạ, ông hỏi thì ba ông bảo: “Trong lúc đi cày, thấy cây me chua nhà ông Ba Sức ở xóm Đồng Tre có cây gì bò trên đó mà có trái ngộ quá nên ba xin một nhánh về trồng chơi”. Từ nhánh thanh long đó, gia đình ông nhân ra trồng cho đến ngày nay.

Như lời ông Kiết nói, chúng tôi định tìm ông Ba Sức để hỏi về “lai lịch” của cây thanh long. Nhưng rất tiếc là ông Ba Sức đã mất cách đây mấy chục năm nên chúng tôi cũng không có được thông tin chính xác về sự có mặt của cây thanh long trên đất Châu Thành.

Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, thanh long được người Pháp du nhập vào Việt Nam cách đây trên 100 năm. Trước đây, thanh long được trồng chủ yếu ở Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và chỉ cho vua, các gia đình quý tộc dùng. Vì vậy có thể nói, thanh long bén rễ trên đất Châu Thành hơn 100 năm và hiện nay, nó là cây trồng chủ lực của huyện./. (còn tiếp)

Hải Phát - Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết