Tiếng Việt | English

15/06/2016 - 18:38

Hệ lụy từ tín dụng đen

Kỳ 1: Vay tín chấp tiêu dùng với mức lãi suất... “trên trời”

Trước những lời mời “có cánh”, nhiều khách hàng vay tín chấp tiêu dùng chủ quan, chỉ chú ý đến số tiền được vay mà không tìm hiểu kỹ về mức lãi suất thực sự nên đành “ngậm đắng nuốt cay” nhận nhiều hệ lụy đau lòng.

“Bẫy” khách hàng với đủ loại hình khuyến mãi

Dạo quanh thị trường vay tiêu dùng mua sắm không cần thế chấp khá sôi động tại TP.Tân An cũng như các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Long An, chúng tôi thấy có mặt nhiều công ty cho vay tài chính như: PPF - Home Credit, HD Sài Gòn, ACS, JACCS,... Các công ty này “khoe” mức lãi suất vay tín chấp chỉ từ 1,42%/tháng đến 2,95%/tháng. Kèm theo đó là đủ các loại hình mua - bán trả góp với lãi suất ưu đãi, thậm chí với lãi suất 0%, khách hàng chỉ cần trả trước từ 30% đến 50% giá trị sản phẩm từ kênh mua sắm thiết bị điện tử, xe máy, đồ gia dụng,...

Nhiều khách hàng phải “ngậm đắng nuốt cay” khi trót tham gia vay tiêu dùng tại các công ty tài chính với mức lãi suất “siêu khủng”

Theo đó, khách hàng sẽ có cơ hội được hưởng lãi suất 0% hoặc được tặng 2 kỳ thanh toán cuối, gồm cả gốc lẫn lãi. Điều kiện để được hưởng ưu đãi là khách hàng đóng đầy đủ, đúng hạn các kỳ thanh toán và không được tất toán khoản vay trước hạn. Thủ tục vay và duyệt hồ sơ sẽ được tiến hành chỉ sau 15 phút...

Chúng tôi đã “mục sở thị” và tìm hiểu quy trình cho vay tiêu dùng cũng như mức trả góp của hệ thống siêu thị TGDĐ. Với khoản trả trước chỉ cần vài triệu đồng, người tiêu dùng có thể mua trả góp với sản phẩm mà mình mong muốn. Tuy nhiên, đằng sau ưu đãi về trả đúng kỳ hạn, khuyến mãi từ 1 đến 2 kỳ hạn nếu thanh toán đúng và đầy đủ thì kèm theo là mức lãi suất “siêu khủng” mà các công ty tài chính áp dụng dành cho các khách hàng vay trả góp.

Chị Nguyễn Thị Diễm H. (phường 2, TP.Tân An) mua một chiếc điện thoại di động Iphone 6 plus, 64G, mức giá 24.690.000 đồng với hình thức hỗ trợ vay trả góp của Công ty tài chính Home Credit, trả trước 40% giá trị sản phẩm, trả góp trong kỳ hạn 12 tháng với số tiền góp hàng tháng đã bao gồm cả gốc và lãi là 1.906.000 đồng, tổng số tiền góp hàng tháng và phần trả trước sẽ là 33.396.000 đồng. Như vậy, với mức lãi trên 8.000.000 đồng cho kỳ hạn 12 tháng, mỗi tháng, chị Diễm H. sẽ phải trả với số tiền lãi gần 800.000 đồng!

Đánh lừa khách hàng bằng cách tính lãi

Có mặt tại cửa hàng xe gắn máy P.D (TP.Tân An), chúng tôi ngỏ ý mua trả góp xe gắn máy Air Blade trị giá 44 triệu đồng. Một nhân viên của Công ty tài chính HD Sài Gòn tư vấn với các tiêu chí ưu đãi cho khách hàng: Trả trước 0 đồng; lãi suất thấp; không cần bảo hiểm các khoản vay; chỉ cần chứng minh nhân dân và bằng lái xe; không cần thế chấp; kỳ hạn thanh toán 6-24 tháng; xét duyệt nhanh, thủ tục đơn giản.

Với nhiều chương trình hấp dẫn khiến cho nhiều khách hàng dễ “xiêu lòng” sa bẫy vì được ưu đãi tối đa. Nhưng thực chất để sở hữu được chiếc xe Air Blade trị giá 44 triệu đồng, khách hàng phải trả trước 14,001 triệu đồng (30,18%) giá trị sản phẩm và trả góp với sự lựa chọn 1 trong 3 kỳ hạn thanh toán tùy vào điều kiện tài chính như: 12 tháng: Mỗi tháng, khách hàng phải trả góp 3,322 triệu đồng; 15 tháng: Mỗi tháng góp 2,826 triệu đồng; 18 tháng: Mỗi tháng góp 2,5 triệu đồng.

Thực tế, với số tiền thanh toán hàng tháng mà khách hàng phải trả cộng với số tiền phải thanh toán trước để có được một chiếc xe từ 53 triệu đến 59 triệu đồng. Tùy vào số tiền và thời gian vay của khách hàng mà cửa hàng áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ 20-70%/năm. Số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài, lãi suất mà khách phải sẽ trả càng tăng. Mức lãi suất trả góp này đang núp bóng dưới hình thức như “tín dụng đen” và gấp từ 3 - 5 lần lãi suất vay kinh doanh trung và dài hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 11,5% - 12,8%/năm.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về cách tính lãi suất thì nhân viên tư vấn tài chính không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng cũng như về cách thức tính lãi phạt quá hạn đóng; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng.

Nhân viên tư vấn khách hàng - Lê Thị Ngọc N. cho biết: “Trên hệ thống của công ty đã mặc định sẵn, chỉ cần gõ vào số tiền sản phẩm cũng như mức trả trước và kỳ hạn mà khách hàng muốn trả sẽ ra khoản tiền khách hàng phải trả chia đều và cố định cho mỗi tháng đã bao gồm cả gốc và lãi”.

Thông thường, khoản vay tín chấp kênh mua sắm tiêu dùng thường khá nhỏ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng trên mỗi hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng lại che đậy lãi suất thông qua số tiền trả góp hàng tháng rất ít so với thu nhập của khách hàng.

Khi ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng chỉ biết số tiền phải trả hàng tháng là cố định và tặc lưỡi “chắc mình trả được, cũng không lớn lắm so với thu nhập của mình”. Ngoài ra, lãi suất ghi theo hợp đồng luôn được tính theo tháng như 1,66%/tháng, 2,17%/tháng, 2,95%/tháng, 7,1%/tháng,... đã làm cho khách hàng bị ám thị bằng con số thấp.Lãi suất vay tín chấp có thể dao động trong khoảng 30% - 60%/năm và mức lãi này được đánh giá là lãi “trên trời”.

Nếu so sánh với vay tín chấp ngân hàng phải chịu sự điều chỉnh của Luật Tín dụng thì có thể thấy, các công ty tài chính đang lách luật và đưa ra mức lãi suất “siêu khủng” để biện hộ do vay tín chấp không thế chấp bất kỳ tài sản của khách hàng nên độ rủi ro cao! Bên cạnh đó, phí phạt trả trễ hạn với cá nhân nào không đóng tiền gốc và lãi hàng tháng cho khoản vay của mình thì phải chịu mức phí phạt chiếm tỷ lệ phần trăm nhất định trên số tiền chậm trả./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích