Tiếng Việt | English

10/01/2018 - 14:14

Tân Trụ đất lúa màu mỡ vẫn bị bỏ hoang

Kỳ 2: Cấp giấy không đúng với thực trạng khu đất

Dù Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM quyết định giữ nguyên bản án của TAND tỉnh Long An nhưng người dân vẫn khẳng định, đó là đường nước công cộng. Ngoài ra, qua các hồ sơ, giấy tờ thể hiện thì có một sự thật, UBND huyện Tân Trụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Bồi không đúng với thực trạng khu đất.

5ha đất ruộng màu mỡ của 9 hộ dân bị bỏ hoang hơn 2,5 năm, không biết bao giờ mới được sản xuất trở lại?

Vì sao huyện lại cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi?

Dù huyện cho rằng đúng với các quy định của pháp luật về đất đai nhưng qua tìm hiểu, đường nước bị ông Bồi lấp vào ngày 02/5/2015 là của công cộng. Theo nhiều người dân lớn tuổi, chính quyền địa phương và ngay cả ông Bồi cũng xác nhận, đường nước này có từ trước năm 1975, mấy chục năm qua vẫn sử dụng để tưới, tiêu cho 5ha đất lúa của các hộ dân. Sự thật này hoàn toàn không thể chối bỏ.

Ngoài ra, năm 1996, ông Bồi được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất đường nước này và đến tháng 5/2015 mới tiến hành đổ đất, san lấp đường nước. Thế nhưng, điều lạ lùng là bản đồ khu đất cấp cho ông Bồi từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại không thể hiện có đường nước. Rõ ràng, giấy tờ chứng nhận QSDĐ mà UBND huyện cấp cho ông Bồi không thể hiện đường nước là không phù hợp với thực trạng của khu đất. Tuy sự việc xảy ra từ nhiều năm trước nhưng hiện nay, rất cần câu trả lời thỏa đáng từ UBND huyện Tân Trụ để các hộ dân hiểu rõ.

Bà Nguyễn Thị Năng (nguyên đơn, hơn 90 tuổi) khẳng định: “Tôi sinh ra và lớn lên tại địa phương, ngay từ nhỏ đã thấy đường nước này. Mấy chục năm qua, ruộng của tôi cũng lấy nước từ đây. Tại sao, đến năm 1996, UBND huyện Tân Trụ lại cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi. Các hộ dân có đất lúa sử dụng tưới, tiêu từ đường nước cũng không hay biết chuyện này cho đến khi ông Bồi san lấp vào tháng 5/2015. Sao lạ lùng vậy?!”.

Còn bà Võ Thị Giàu (nguyên đơn) bức xúc, đường mương nước là của công cộng thì không lý do gì chúng tôi phải lắp đặt ống ngầm, như thế là phụ thuộc ông Bồi. Việc huyện cấp GCNQSDĐ đường nước cho ông Bồi “tréo ngoe” vì thực trạng khu đất trước đây và giấy tờ mâu thuẫn nhau. Có phải cán bộ không đi thực tế khu đất nên “giấy tờ một đằng, thực tế một nẻo” hay là có chuyện gì khác? “Vì thế, UBND huyện phải xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ, sai thì hủy bỏ, thu hồi để khôi phục lại đường nước tưới, tiêu công cộng cho người dân sử dụng” - bà Võ Thị Giàu đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, các hộ dân cho biết, trước đây, họ kiện ông Bồi ra tòa án vì hành vi lấp đường thoát nước và lần nào cũng thua. Một trong những lý do thua kiện là vì tòa xem xét nhiều đến việc ông Bồi được huyện Tân Trụ cấp GCNQSDĐ phần đất này vào năm 1996, đến 2010 cấp đổi lại. Phía UBND huyện Tân Trụ cũng bảo vệ quan điểm và xác định: Không phải là đường nước công cộng vì nằm trong các thửa đất số: 215, 243 và 645 được huyện cấp cho ông Bồi từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại. Việc cấp giấy đúng quy định pháp luật về đất đai.

“Từ vấn đề này, lần này, chúng tôi sẽ xem xét làm đơn kiện UBND huyện Tân Trụ về việc cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi ở phần đất thuộc đường nước từ năm 1996, để xem huyện giải thích thế nào về việc thực tế một đằng, giấy tờ lại cấp một nẻo? “Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến xảy ra vụ việc như hôm nay” - một hộ dân cho biết.

Bỏ hoang đến bao giờ?

Kể từ khi đường nước tưới, tiêu duy nhất của 5ha đất lúa bị lấp đến nay, người dân cho biết, 9 vụ mùa trôi qua, diện tích này phải bỏ hoang. Những ngày đầu năm 2018, có mặt tại khu đất này, cỏ mọc um tùm, có chỗ, mặt đất khô nứt nẻ. “Ngày còn đường nước, đây là khu đất phì nhiêu, 1 năm sản xuất 3 vụ lúa, năng suất bình quân 7-8 tấn/ha/vụ. 9 vụ lúa bỏ hoang, đồng nghĩa 9 hộ dân mất hàng trăm tấn lúa” - bà Phạm Thị Tư buồn bã nói.

Về vụ việc này, ngay từ vụ đầu tiên khi 5ha đất lúa màu mỡ của các hộ dân phải bỏ hoang, ngành chức năng huyện Tân Trụ thừa nhận với phóng viên Báo Long An là “rất lãng phí”. Thậm chí, nhiều người dân qua khu vực này đều lắc đầu ngao ngán vì tiếc nuối.

Ngày 04/01/2018, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết: “Ngay từ vụ lúa đầu tiên bị bỏ hoang, xã và huyện nhiều lần tổ chức đối thoại, hòa giải nhưng vẫn không đi đến kết quả thống nhất. Theo đó, các hộ dân khởi kiện vụ việc ra tòa án. Hiện có quyết định từ TAND Cấp cao tại TP.HCM nên huyện căn cứ theo đó để giải quyết”.

Tuy nhiên, theo 9 hộ dân, sự tham gia của chính quyền, ngành chức năng ở các cuộc hòa giải chỉ mang tính chất trung gian để nắm tình hình, lắng nghe chứ không nhìn nhận việc UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi đối với phần đất đường nước từ năm 1996 là có vấn đề, không đúng với thực tế.

Theo tìm hiểu, sau khi có quyết định của TAND Cấp cao, ngày 27/12/2017, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung và các phòng, ban chuyên môn, xã Quê Mỹ Thạnh đối thoại với 9 hộ dân và ông Bồi. Theo ông Ngô Tấn Tài, theo thiết kế, kinh phí thực hiện đường ống dẫn nước ngầm bảo đảm tưới tiêu cho khu đất khoảng 120 triệu đồng. Trong đó, ông Bồi đồng ý hỗ trợ 40 triệu đồng, UBND huyện là 60 triệu đồng, phần còn lại của 9 hộ dân. Ngoài ra, ông Bồi cũng phải cam kết: Không xây dựng hoặc thay đổi hiện trạng phần đất có lắp đặt đường ống ngầm chạy qua,... Tuy nhiên, các hộ dân vẫn kiên quyết không đồng ý đặt ống ngầm.

“Chúng tôi không muốn mất thời gian, tốn công sức, tiền bạc đi khiếu kiện, lại càng không muốn kéo dài tình trạng đất lúa của mình bị bỏ hoang, ngày càng bạc màu. Thế nhưng, tại sao chúng tôi làm như vậy? Đó là vì đường nước công cộng thì phải trả lại cho công cộng chứ không thể cấp cho cá nhân nào. Thực tế một đằng, cấp giấy một nẻo rõ ràng là sai nên huyện cần nghiêm túc xem xét, sửa chữa, khắc phục” - một nguyên đơn nói.

Trước tình thế 9 hộ dân không lắp đặt ống ngầm, hiện huyện Tân Trụ vẫn tiếp tục hòa giải, vận động. Tuy nhiên, với hướng này, không biết bao giờ, 5ha đất mới được sản xuất trở lại, trong khi bỏ hoang hơn 2,5 năm.

 Ông Ngô Tấn Tài cho biết thêm: “Theo Luật đất đai 2013, đất lúa bị bỏ hoang quá 12 tháng nếu không phải do thiên tai bất khả kháng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, nếu đất cứ bỏ hoang kéo dài thì chúng tôi sẽ báo cáo về cấp thẩm quyền cao hơn xem xét, hướng dẫn giải quyết. Cũng theo ông Tài, vụ việc này, huyện chưa có báo cáo chính thức về tỉnh nhưng có thông tin sơ bộ”.

Tài nguyên đất bị bỏ hoang, lãng phí kéo dài nhưng với thực trạng hiện nay, không biết bao giờ, 5ha đất “bờ xôi, ruộng mật” ở xã nông thôn mới Quê Mỹ Thạnh mới được sản xuất trở lại?

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích