Tiếng Việt | English

16/11/2017 - 14:39

Buôn lậu thuốc lá: Những câu chuyện phía sau

Kỳ 2: Cuộc chiến vẫn gian nan

Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi thì khó khăn, vất vả của lực lượng phòng, chống buôn lậu ngày càng nhiều.


Muốn bắt được buôn lậu cần theo dõi, mật phục nhiều ngày. Tuy nhiên, không phải lần “giăng lưới” nào cũng bắt được "cá". (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây bắt thành công đợt vận chuyển thuốc lá lậu - Ảnh do đồn cung cấp)

Gặp khó vì luật

Ngày 25/7/2017, Tòa án nhân dân Tối cao có Văn bản số 154/TANDTC-PC về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa. Theo đó, văn bản này hướng dẫn các tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân Tối cao “kể từ ngày 01/7/2015 (ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến ngày 01/01/2018 (ngày Luật số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành), không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa”.

Theo hướng dẫn của văn bản trên, các đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trong thời điểm từ ngày 01/7/2015 đến ngày 01/01/2018 được miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt tù do sự thay đổi của chính sách, pháp luật.

Từ đó, công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá gặp một số khó khăn nhất định. Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1 - Nguyễn Văn Sâm nhận định, xử lý hành chính đối với các đối tượng đầu nậu buôn lậu hoàn toàn không có tính răn đe. Đồng thời, giai đoạn hiện nay, các đối tượng thay đổi cách thức hoạt động khiến cho việc xử lý hành chính cũng gặp không ít khó khăn.

Anh Sâm nói: “Giờ, các đối tượng thường không vận chuyển thuốc lá lậu bằng xuồng hay xe máy nữa mà thuê xe ôtô khiến cho việc phát hiện, bắt giữ khó khăn hơn. Ôtô thuê nên khi lực lượng chức năng bắt giữ phải trả lại cho chủ sở hữu phương tiện. Đối tượng thuê xe thường không cung cấp địa chỉ thực nên việc xác minh không thành công, không xử lý hành chính được. Ngoài ra, một số đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng đóng phạt hành chính. Từ đó, công tác xử lý đối tượng buôn lậu gặp khó khăn”.

Để dẫn chứng, anh Sâm đưa ra một số văn bản của Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh nhờ lực lượng Quản lý thị trường truy thu số tiền phạt vi phạm hành chính của đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường trú tại Long An. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp kéo dài gần 2 năm vẫn không thể thi hành được vì không xác minh đúng địa chỉ hoặc gia đình đối tượng không có khả năng đóng phạt.

Trung úy Trịnh Minh Cảnh - Đội trưởng đội Phòng, chống ma túy Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, cũng cho rằng, giai đoạn hiện nay, công tác phòng, chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn hơn vì Văn bản 154/TANDTC-PC đang trong thời gian có hiệu lực. Anh nói: “Từ khi văn bản có hiệu lực, nhiều vụ án buôn lậu dừng lại, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số đối tượng được về lại địa phương. Phạt hành chính không có tính răn đe nên nhiều khi đối tượng bị bắt, phạt rồi vẫn cố tình tái phạm”.


Muốn bắt được buôn lậu cần theo dõi, mật phục nhiều ngày

“Ăn bờ, ngủ bụi”

Thiếu tá Lê Trung Hiếu - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, khẳng định: “Khi còn sự chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và nước ngoài thì buôn lậu vẫn tồn tại”. “Phòng, chống buôn lậu” nhưng đó là hành trình đầy gian nan. Hơn 2 năm làm công tác chống buôn lậu, Trung úy Cảnh quá quen thuộc với những lần mật phục ban đêm, ẩn trong bụi, trầm dưới sông nhưng lại... về tay không!

Anh kể: “Muốn bắt được buôn lậu cần theo dõi, mật phục nhiều ngày. Tuy nhiên, không phải lần “giăng lưới” nào cũng bắt được “cá””. Các đối tượng buôn lậu có cả một “đường dây” canh đường, thông tin. “Nhất cử nhất động” của lực lượng phòng, chống buôn lậu đều bị chúng theo dõi chặt chẽ nên để lên kế hoạch và bắt đầu một đợt ra quân, các anh phải tốn rất nhiều công sức. Công sức cho những ngày mật phục, những đêm thức trắng, những khi trầm mình cả ngày dưới sông,... Công sức cho những ngày cùng đồng đội “đóng” ở nơi không điện, không nước giữa “đồng không mông quạnh”.

Thiếu úy Lại Hoàng Thái - thành viên Tổ Kiểm soát lưu động của Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, cho biết, Tổ Kiểm soát lưu động chịu trách nhiệm canh gác, kiểm soát những đường tiểu ngạch qua biên giới. Nhận nhiệm vụ, các anh “cắm chốt”, tuần tra, kiểm soát bất kể ngày đêm, ngăn chặn đối tượng lợi dụng đường vắng, đêm tối mang thuốc lá lậu sang biên giới.

Ở đó, các anh được trang bị một căn chòi nhỏ để nghỉ ngơi. Chỉ có vậy! Tất cả sinh hoạt cá nhân, điện, nước đều phải nhờ nhà dân. Anh Thái kể: “Ngày hay đêm gì, anh em cũng chỉ nghỉ lại đây thôi. Chòi nhỏ, lại trống nên hôm nào gặp mưa chỉ có thể ngồi co lại cùng nhau chờ hết mưa mới ngủ được”. Giữa cuộc sống hiện đại, Internet đến từng nhà, ở một góc biên giới xa xôi, các chiến sĩ biên phòng vẫn từng ngày sống không điện, không nước, kiên trì, nỗ lực trong cuộc chiến gian nan chống buôn lậu hàng qua biên giới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ trong tháng 10/2017, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 96 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, tịch thu trên 160.000 gói thuốc lá lậu, tạm giữ 49 xe gắn máy, 9 xe ôtô.

Tính mạng bị đe dọa

Điều đã kể chưa đáng là gì so với những khó khăn mà người làm công tác phòng, chống buôn lậu đối mặt từng ngày. “Ăn bờ, ngủ bụi” chỉ là chuyện “thường ngày”, các anh còn bị đe dọa về sức khỏe và cả tính mạng mình.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây - Nguyễn Văn Quyết kể: “Trong quá trình mật phục, chiến sĩ, cán bộ ta bị đối tượng dùng ná bắn hoặc dùng vật nhọn đâm là chuyện thường tình! Các đối tượng làm vậy để kiểm tra xem có lực lượng ta mật phục hay không. Về phía ta, lỡ có bị thương cũng chẳng dám kêu!”. Kế hoạch và công sức là của cả tập thể nên đâu thể chỉ vì mình mà “đổ sông, đổ biển”.

Trận lớn, các anh bắt đến hơn 10.000 gói thuốc. Vì lượng thuốc lá bắt được lớn, giá trị cao nên có khi các đối tượng tổ chức giật lại thuốc. Trung úy Cảnh kể: “Có lúc, các đối tượng tập trung lại tổ chức “giật hàng”. Đa phần là phụ nữ, họ cản chân cán bộ, chiến sĩ ta cho đối tượng khác lấy hàng!”. Thời gian gần đây, một số đối tượng vận chuyển hàng lậu bằng xe ôtô còn sử dụng mã tấu và vũ khí quân dụng để chống trả lực lượng của ta khi bị bắt.

Tổ chức giật lại hàng là chuyện bình thường, thậm chí, nếu các đối tượng sử dụng xe 4 bánh để vận chuyển thuốc, chúng sẵn sàng cho xe tông trực diện vào xe cán bộ Quản lý thị trường đang làm nhiệm vụ để tẩu thoát. Anh Sâm kể: “Cách đây mấy hôm, khi chúng tôi bắt đối tượng vận chuyển thuốc bằng ôtô, đối tượng liều lĩnh tông thẳng xe vào xe chúng tôi. Hiện ôtô của đội đang được sửa chữa”.

Lực lượng Quản lý thị trường thường ít người, công cụ hỗ trợ còn thiếu thốn nên các đối tượng có xu hướng chống trả liều lĩnh. Với mục đích lấy lại số thuốc bị bắt, nhiều đối tượng bất chấp tính mạng lực lượng làm nhiệm vụ và cả tính mạng bản thân. Anh Sâm cho biết: “Các đối tượng có thể bất chấp tất cả để giật lấy lại thuốc. Còn chúng tôi, ngoài nhiệm vụ bắt giữ đối tượng và tang vật, còn phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của đối tượng”. Chính vì thế, trong cuộc chiến chống buôn lậu, các anh phải đối mặt với không ít hiểm nguy!

Phương Phương
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết