Tiếng Việt | English

30/10/2017 - 11:26

Về nguồn - Cách làm sáng tạo của Long An

Kỳ 2: Đổi thay sau hoạt động Về nguồn

Sau khi được chọn làm điềm của tỉnh tổ chức hoạt động Về nguồn, bộ mặt nông thôn ở những địa phương này có bước phát triển vượt bậc, kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là công trình phúc lợi xã hội được tập trung đầu tư xây dựng. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM).

Nhiều công trình được xây dựng, tạo diện mạo mới cho quê hương Bình Thành, huyện Đức Huệ

Về nguồn là một hoạt động sáng tạo của Long An trong đổi mới công tác dân vận. Hoạt động Về nguồn
huy động được sức mạnh của toàn Đảng bộ, sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong các
hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công với nước và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH),... Hoạt động Về nguồn trở thành "đòn bẩy" giúp nhiều địa phương phát triển KT-XH.

Từ xã nghèo thành xã nông thôn mới

Dù hàng năm nhận được nguồn đầu tư từ các cấp, nhưng nhiều năm liền, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng vẫn là một trong những xã nghèo của tỉnh. Kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ. Năm 2011, Hưng Thạnh được tỉnh chọn làm xã điểm tổ chức Về nguồn, huy động hỗ trợ nguồn vốn gần 36 tỉ đồng từ ngân sách, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn vốn ấy, những công trình giao thông, trường học, trạm y tế,... được đầu tư xây dựng làm đổi thay hoàn toàn bộ mặt nông thôn.

Tuyến đường trục chính của xã về trung tâm huyện dài gần 10km được đầu tư, nâng cấp trải nhựa, tạo sức bật mới cho địa phương trong phát triển KT-XH cũng như thuận tiện hơn trong giao thông. “Trước đây, tuyến đường này lầy lội, nhỏ, hẹp gây khó khăn trong việc đi lại nhưng từ sau khi được đầu tư xây dựng, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Giờ, đi từ xã về huyện chỉ hơn 15 phút” - ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Hưng Tân, xã Hưng Thạnh, phấn khởi nói.

Ngoài đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, trong hoạt động Về nguồn, các cấp còn đầu tư hơn 8 tỉ đồng xây dựng mới Nhà bia chiến thắng Gò Gòn và nhà bia ghi danh liệt sĩ; xây dựng, sửa chữa hàng chục căn nhà tình nghĩa, tình thương với nguồn vốn hơn 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn tổ chức khám, điều trị bệnh, tặng quà gia đình chính sách, gia đình khó khăn và tiếp sức học sinh đến trường,... Bà Trần Thị Tiền, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà lá dột nát. Mỗi khi trời mưa, cả nhà không có chỗ ngủ, đồ đạc trong nhà bị mưa ướt hết. Được xã hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, tôi mừng lắm, từ đây an tâm lao động, phát triển kinh tế gia đình”.

Hoạt động Về nguồn là “đòn bẩy” giúp xã hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến cuối năm 2014, Hưng Thạnh được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới. Nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân được nâng lên. Những con đường trải nhựa, bêtông thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày minh chứng cho sự đổi thay trên vùng đất khó ngày nào.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - Ngân Văn Giang cho biết: “Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước đầu tư, còn phải kể đến việc đóng góp về sức người, sức của của người dân. Hoạt động Về nguồn huy động được sự đoàn kết, chung tay của cả cộng đồng. Hiệu quả của hoạt động Về nguồn giúp Hưng Thạnh về đích sớm xã NTM”.

Tương tự, tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước, 1 trong 2 xã được tỉnh chọn tổ chức hoạt động Về nguồn năm 2013. Trước khi hoạt động Về nguồn được tổ chức tại địa phương thì ngoài tuyến Quốc lộ 50 qua xã là đường nhựa, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã chỉ trải sỏi đỏ hoặc đá xanh. Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Nguyễn Nhựt Luân cho biết: “Trước năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ hơn 20 triệu đồng/người/năm, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ hoạt động Về nguồn, hơn 70 tỉ đồng được huy động đầu tư xây dựng các công trình trong xã. Đáng kể nhất: Xây mới 4 nhà văn hóa ấp, 38 phòng học, trường mẫu giáo; mở rộng và trải nhựa hầu hết các tuyến đường liên ấp, liên xã. Chỉ 1 năm sau hoạt động Về nguồn, thu nhập của người dân tăng lên 31 triệu đồng/người/năm. Năm 2014, xã về đích xã NTM sớm hơn dự kiến”.

Tri ân vùng đất cách mạng

Tuyên Bình Tây là xã vùng sâu và nghèo nhất của huyện Vĩnh Hưng; nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đất nước thống nhất, Tuyên Bình Tây bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới nhưng điều kiện tự nhiên không thuận lợi, xã bị chia cắt bởi sông Vàm Cỏ Tây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên, đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

>>Xem thêm

Kỳ 1: Về nguồn - về với nhân dân, nghĩ đến trách nhiệm

Kỳ 1: Về nguồn - về với nhân dân, nghĩ đến trách nhiệm 

Cập Nhật 27-10-2017

Từ hoạt động Về nguồn, hàng ngàn tỉ đồng được huy động xây dựng các công trình phúc lợi, chăm lo gia đình chính sách cùng các hoạt động an sinh xã hội.

Năm 2010, Tuyên Bình Tây được chọn làm xã điểm Về nguồn của tỉnh với nguồn vốn huy động gần 10 tỉ đồng xây dựng gần 30km đường giao thông, 16 cây cầu và nâng cấp 5 trạm nước sạch,... Ông Phạm Văn Chiểu, ấp Cả Cóc, xã Tuyên Bình Tây, nói: “Qua hoạt động Về nguồn, cầu và đường giao thông nông thôn được thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước kia, người dân đi lại chủ yếu bằng xuồng ghe, không có đường giao thông bộ,... Vì thế, người dân nơi đây chỉ mơ ước có đường giao thông để thuận tiện đi lại, sinh hoạt. Hoạt động Về nguồn biến ước mơ ấy trở thành hiện thực. Giờ đây, người dân Tuyên Bình Tây có thể đi xe đến trung tâm xã”. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách an sinh xã hội: Sửa chữa, xây dựng mới 14 nhà tình nghĩa, 30 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước, hộ nghèo, trẻ em khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn,...

Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Nguyễn Hữu Hiền cho biết: “Hiện, xã có 61% đường liên xã được nhựa hóa, 56% dường trục ấp cứng hóa, có 98% hộ sử dụng điện, 95% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 93%, thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm,...”.

Còn tại xã Bình Thành, huyện Đức Huệ - một trong những cái nôi cách mạng tỉnh nhà, trải qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, người dân cùng cán bộ, chiến sĩ vẫn anh dũng bám bám trụ, giữ từng tấc đất quê hương, góp phần chung cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đời sống người dân được cải thiện nhiều nhưng vùng đất này vẫn còn không ít khó khăn khi hệ thống giao thông, thủy lợi chưa bảo đảm, phần lớn vẫn là những con đường đất nhỏ, lầy lội. Với sự chung tay, góp sức của các tổ chức, nhà hảo tâm cùng sự đồng lòng của toàn thể người dân trong hoạt động Về nguồn năm 2015 làm nên sự thay đổi lớn, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Những con đường đất ngày nào giờ được mở rộng, trải đá; điện, nước hợp vệ sinh cũng về đến từng hộ dân, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Với tổng kinh phí Về nguồn năm 2015 hơn 80 tỉ đồng, xã thực hiện 41 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện, nước. Ngoài ra, còn thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng hàng ngàn phần quà cho người nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học. Qua đó, tiếp thêm cho Bình Thành động lực sớm hoàn thành quá trình xây dựng nông thôn mới...

(còn tiếp)

Thụy Anh-Văn Đát

Chia sẻ bài viết