Tiếng Việt | English

22/08/2017 - 22:34

Du lịch ở xứ biển Bình Định

Kỳ 2: Khám phá quê gốc của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Đó là xóm Lưới Cát Hải, Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Có 2 hướng đi về đây. Hướng TP.Quy Nhơn qua Khu kinh tế Nhơn Hội và hướng Quốc lộ 1 rẽ sang Chợ Gồm về cửa Đề Gi rồi vào cùng một đường chạy qua một bên là núi Bà, một bên là biển Đông.

Một góc xóm Lưới ngày nay, nhìn từ chùa Ông Núi

Trước Cách mạng Tháng Tám, đường này là truông và đèo. “Anh về em muốn về theo/ Sợ truông cát nóng sợ đèo đá dăm” (ca dao). Truông là lối đi hiểm trở, hoang vắng. Chừng 10 năm trước, về đây, tôi còn thấy xóm chài đậm nét “nhà quê”.

Bây giờ, ôtô bon bon trên đường nhựa, qua Cát Hải, bên đây đường là chân núi nổi lên từng dãy quán ẩm thực sơ sài nhưng đầy đặc sản biển. Hỏi sao không xây quán đẹp, nhà nghỉ,... để đón khách du lịch? Ai cũng bảo, vùng này người Mỹ thuê để mở khu du lịch phức hợp gì gì đó, nay mai giao đất cho họ nên không dám xây dựng kiên cố. Bên kia đường là bãi cát đầy bóng dương liễu, có những lều, trại du khách dựng lên để nghỉ mát và tắm biển.

Từ trên lưng đèo băng qua dãy nhà hàng có lối đi bậc thang bêtông xẻ núi tuột dần xuống bãi tắm Trung Lương - bãi tắm nổi tiếng đẹp nhất vùng biển Nam Trung bộ trải từ Cát Hải qua Cát Tiến; có gò đá chạy ra biển y như Hòn Chồng (Nha Trang) nhưng dài hơn và có 3 điểm đá chồng, tạo 3 mái nhà đá kín đáo cho du khách đắm say với thiên nhiên núi xanh, biển biếc hữu tình,...

Làng chài Cát Tiến nổi lên nào resort, nhà nghỉ, nhà hàng, nào hàng quán mới ra đời ở phía biển. Bên đây đường, phía chân núi thoai thoải là công trường dài mấy trăm mét, có cổng tam quan đồ sộ, bên trong cổng ngổn ngang vật liệu xây dựng, đông đúc thợ xây, nghệ nhân và nhà điêu khắc đục đẽo đá tạo cảnh, tạo hình theo văn hóa tín ngưỡng nhà Phật.

Trên đỉnh núi cao vút tầng mây, một tượng Phật khổng lồ còn dở dang. Không rõ bằng cách nào, người ta đưa được vật liệu, giàn giáo thép và cần cẩu lên đó để thi công. Hỏi mới biết, đây là công trình Thiền viện Đồng Ngộ, mặt bằng rộng mênh mông chiếm cả khu đất vắt qua chân núi Bà đến giáp chùa Ông Núi.

Đứng trước cổng chùa Ông Núi với 4 trụ bêtông cao vút. Sách Nước Non Bình Định của Quách Tấn viết: Đây là chùa Linh Phong, tục gọi chùa Ông Núi ở độ cao hơn 400m mà phải leo ngàn bậc đá quanh co mới đến. Chùa do vị thiền sư bí ẩn, không rõ danh tánh, mặc đồ bằng vỏ cây, ở trên núi, chỉ khi trong vùng có xảy ra dịch bệnh, sư mới mang thuốc xuống núi cứu người. Cứu xong, sư lặng lẽ về núi, không ai hay. Dân sở tại gọi sư ông là Ông Núi hay Mộc Y Sơn Ông.

Năm 1702, Ông Núi dựng am cỏ ở lưng chừng núi để tu hành. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa mộ đức, cho làm lại chùa ngói, lấy tên Linh Phong; ban cho Ông Núi pháp hiệu Tịnh Giác Thiền Trì Đại Lão Thiền Sư. Ông Núi viên tịch đời Tây Sơn (1711-1802).

Tôi cố sức leo lên từng bậc đá. Gió núi lồng lộng mà tôi mướt mồ hôi. Rồi tôi cũng chinh phục được mục tiêu trên vách núi cheo leo. Trong Nước Non Bình Định, Quách Tấn có chép bài thơ của Trường Xuyên làm năm 1938 khi dạo chơi nơi đây: “Chùa vua cất, núi trời xây/ Nguồn Đạo thơm danh mạch suối đầy/ Suối chảy quanh chùa, chùa vịn núi/ Núi nằm ôm biển, biển sanh mây...”.

Quách Tấn viết: “Ai đến đây lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa hẳn cõi trần hiu. Gió ru hồn mộng thiu thiu/ Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non”...

Chiều đang xuống. Ngàn bóng cổ thụ đổ theo tiếng chuông ngân. Tôi bước vào cổng chùa. Một hồ sen hội tụ các dòng khe trong lòng núi chảy ra, tạo thành 2 dòng suối nước trong vắt chảy vào hồ sen. Giữa hồ có tượng Phật Quan Âm. Từ đây ngó vào, ở giữa có ngôi chánh điện, 2 bên là 2 dãy chùa nối nhau, giữa có vuông sân ra giáp hồ sen. Bên hồ sen có mấy tảng đá to khắc chữ thư pháp thơ Đào Tấn.

Cụ Đào Tấn là nhà soạn tuồng bậc thầy, làm quan to trong triều Nguyễn. Có lúc chán ngán việc triều chính, cụ bỏ lên núi ẩn tu với Ông Núi và làm rất nhiều thơ ca ngợi cảnh “Niết bàn hạ giới” ở đây. Điểm trang cảnh chùa là những gốc cổ thụ trăm năm, ngàn năm, hình thù cổ quái và những chậu kiểng, chậu tiểu cảnh, non bộ từ núi đưa vào bởi bàn tay nghệ thuật hoa viên siêu đẳng.

Một góc chùa Ông Núi

Tôi leo 20 bậc tam cấp, đến ngôi chùa ở điểm cao nhất trên cùng, chợt gặp một vị sư nở nụ cười tiêu sái, nói: "Quý khách đến đây nên uống nước từ lòng núi chảy ra cho khỏe. Nhà chùa chỉ dùng nước này". Sư đưa tôi cái ca thủy tinh. Tôi mở vòi. Nước từ ống dẫn chảy ra trong veo, có vị mát ngọt lạ thường. Sư ông lại bảo, quý khách đến đây, nên viếng hang Tổ cho biết. Hang Tổ là nơi Ông Núi tu với 2 ông cọp mun. Khi Ông Núi viên tịch, 2 ông cọp mun ấy vẫn tu ở hang Tổ, không hại ai, chỉ ăn lá và trái cây mà sống.

Đường lên hang Tổ hiểm trở hơn đường từ chân núi lên chùa. Cứ leo chừng 50 bậc đá lại có mũi tên chỉ đường lên tiếp. Chiều tà. Du khách xuống núi hết, tôi vẫn cố leo. Tới lúc xuất hiện mũi tên chỉ ngang “lối vào hang Tổ”, tôi mới thấy mình lên đến đỉnh núi, bên con suối và tượng Phật khổng lồ đang xây dựng dở dang trên đây. Tôi thử bước vào lòng hang. Trong bóng tối nhá nhem, tôi thấy có bàn đá và pho tượng sư ông mặc đồ vỏ cây, tay tì gậy trúc, đích thị tượng Ông Núi rồi! Tôi đưa máy ảnh bấm một kiểu rồi chui ra khỏi hang ngay vì không khí lạnh âm u... Hẳn lòng hang còn nhiều cái bí ẩn mà tôi không đủ can đảm khám phá.

>> Xem thêm:

Kỳ 1: Trải nghiệm thành phố biển Quy Nhơn

Kỳ 1: Trải nghiệm thành phố biển Quy Nhơn 

Cập Nhật 21-08-2017

Trên đường đi ra Bắc bằng ôtô, khi qua Ghềnh Ráng (Bình Định), nhìn xuống biển Quy Nhơn về đêm nhấp nháy ngàn vạn ánh đèn thuyền chài và bên trong thành phố rực sáng...

Đứng trên tảng đá to, tôi nhìn xuống chân núi như bức tranh thủy mặc. Quê hương tổ quán cụ Nguyễn Trung Trực như dải lụa choàng qua, một bên là biển xanh thăm thẳm, một bên là mái núi sừng sững, uy nghi. Làng chài lô xô màu ngói, màu vôi trên nền xanh cây trái. Hẳn nghề cá được công nghiệp hóa kết hợp du lịch sinh thái biển - núi mang lại sự giàu có cho xóm Lưới xưa vì quá nghèo mà bao dân chài phải dong thuyền xuôi về phương Nam để mưu sinh đó chăng?

Du ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết