Tiếng Việt | English

30/10/2017 - 20:41

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Còn nhiều thách thức

Kỳ 2: Tháo gỡ những “nút thắt”

Số lượng (tổ chức cơ sở Đảng) TCCSĐ và đảng viên (ĐV) trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) có tăng lên nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô và số lượng DN trên địa bàn. Từ việc xác định những “nút thắt” gây cản trở công tác phát triển Đảng trong những DN này, Đảng bộ tỉnh Long An tiếp tục tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ.


Đa số công nhân e ngại mất thời gian nên chưa muốn phấn đấu để được kết nạp vào Đảng (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Thành Trực, TP.Tân An)

Chủ doanh nghiệp thờ ơ

Hiện nay, nước ta chưa có luật hay quy định nào ràng buộc phải có tổ chức Đảng trong DN. Vì vậy, nhiều chủ DN không ngại nói thẳng rằng, họ chỉ muốn tập trung làm kinh tế và không muốn “dính” gì đến chính trị. Những chủ DN là người nước ngoài lại càng không muốn có TCCSĐ trong DN vì... ngại phiền phức.

Mặt khác, hầu hết chủ DN tư nhân đều chưa phải là ĐV nên chưa quan tâm, tạo điều kiện cho TCCSĐ hoạt động. Đối với DN, lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu. Họ cho rằng, người lao động vào Ðảng và tham gia sinh hoạt Đảng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Phó Bí thư Đảng ủy khối DN tỉnh - Nguyễn Thiện Hòa nhận định: “Việc “đả thông” tư tưởng để chủ DN hiểu đúng về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ, vai trò của đội ngũ ĐV đối với hoạt động của DN có ý nghĩa quyết định. Đây là “nút thắt” quan trọng nhất cần phải tháo gỡ mới tạo điều kiện cho TCCSĐ được thành lập và hoạt động hiệu quả trong DN”.

Chi bộ chưa có “tiếng nói”

Hầu hết ĐV đều là công nhân trực tiếp tham gia sản xuất, kể cả bí thư chi bộ cũng chỉ đảm nhận những công việc thứ yếu nên nhiều chi bộ chưa có “tiếng nói” đối với chủ DN. Đây là thực trạng của rất nhiều TCCSĐ trong DNNNN, trong đó có Chi bộ Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam.

Được biết, chi bộ được thành lập từ năm 2013, trong DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, có 8 ĐV, đến nay phát triển lên 21 ĐV. Tuy nhiên, số ĐV này chủ yếu là công nhân, chưa phát triển được ĐV giữ chức vụ cốt cán trong công ty. Bí thư chi bộ là nhân viên y tế nên cũng không có điều kiện tiếp cận với chủ DN.

“Hiện nay, vai trò chủ yếu của chi bộ chỉ là tuyên truyền, vận động ĐV chấp hành tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước; gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, không vi phạm nội quy, quy chế của công ty. Còn những nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động của DN, chi bộ gần như chưa thực hiện được” - Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam - Nguyễn Văn Lựa thẳng thắn nhìn nhận.

Hiệu quả hoạt động chưa cao

Thời gian đối với DN rất quý nên nhiều chủ DN “miễn cưỡng” cho chi bộ mượn địa điểm để tổ chức sinh hoạt, còn về thời gian sinh hoạt vẫn chưa bảo đảm. Thông thường, mỗi chi bộ chỉ có khoảng 30-60 phút để sinh hoạt mỗi tháng. Có nơi, ĐV thường xuyên đi công tác, không sắp xếp được thời gian sinh hoạt, chi bộ phải “linh hoạt” họp qua... Zalo. Riêng các chi bộ khu, cụm công nghiệp, vì ĐV ở nhiều công ty khác nhau, không thể họp trong giờ hành chính mà phải tổ chức vào ngày cuối tuần.

Chính vì thời gian sinh hoạt quá ngắn nên nội dung sinh hoạt của nhiều chi bộ còn nghèo nàn, mang tính hình thức. ĐV không có nhiều thời gian thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến. Nghị quyết chi bộ chưa gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của DN. Từ đó, hiệu quả hoạt động của chi bộ chưa cao, chưa tạo được niềm tin của chủ DN và thu hút quần chúng tham gia vào TCCSĐ.

ĐV yếu và thiếu cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ trong DNNNN. Công tác phát triển ĐV hàng năm tuy vượt chỉ tiêu nhưng chưa đều khắp các TCCSĐ. Bí thư Chi bộ Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Thành Trực (TP.Tân An) - Đoàn Văn Huỳnh “rút ruột” chia sẻ: “Chi bộ thành lập từ cuối năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa phát triển được ĐV dù lực lượng lao động khá dồi dào. Do áp lực công việc, đa số công nhân e ngại mất thời gian nên chưa muốn phấn đấu để được kết nạp vào Đảng”.

Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành mới có thể tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của TCCSĐ trong các DNNNN./.

An Kỳ
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết