Tiếng Việt | English

19/06/2016 - 10:59

Hệ lụy từ tín dụng đen

Kỳ 3: Nguy cơ “trắng tay” vì cái “vòi” của tín dụng đen

Khi khách hàng có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thì chỉ còn cách tham gia tín dụng đen và chấp nhận “vay vội vã... đóng tiền xối xả”.

Lãi mẹ đẻ lãi con

Theo các chuyên gia pháp luật, do quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng nên các đối tượng cho vay dạng tín dụng đen dễ dàng lách luật bằng nhiều cách. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ sự thiếu thông tin và thiếu hiểu biết của người dân tạo điều kiện cho tính hám lợi, coi thường pháp luật,... và hoạt động tín dụng đen ngày càng phát triển.

Bà Thái Thị T., ngụ ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là nạn nhân vay tín dụng đen. Theo lời bà T., cuối năm 2012, bà vay nóng 30 triệu đồng để trang trải việc gia đình. Thế nhưng, với mức lãi suất 30%/tháng, đến năm 2014, do không có khả năng chi trả, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ lên đến 200 triệu đồng. Bà T. bị siết nhà, đất và bỏ xứ đi nơi khác.

Những hợp đồng giả cách hình thức thế chấp quyền sử dụng đất khiến người dân dễ dàng sập bẫy, không còn khả năng chi trả khi vay tín dụng đen

Được biết, khu vực trên còn một vài nạn nhân trong vụ vay tín dụng đen như bà Nguyễn Thị D. (ấp Long Khánh, xã Phước Hậu), Nguyễn Thị Đ. (ấp Ngoài, xã Phước Hậu) cũng là nạn nhân của tín dụng đen với đầu nậu là Nguyễn Văn M. đứng ra tổ chức cho vay nóng khi người dân có nhu cầu. Hệ lụy là nhà tan, cửa nát, cầm cố tài sản để trả nợ từ những nhóm cho vay tín dụng đen.

Cùng tâm trạng bức xúc, ông Nguyễn Văn N. (ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, ông hỏi vay của bà T. ở địa phương số tiền 100 triệu đồng, nhưng bà T. yêu cầu ông phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả cách, có công chứng hẳn hoi, nếu như quá thời hạn ông N. không có khả năng chi trả, tự động sẽ chuyển sang tên của chủ cho vay tín dụng đen.

Những nạn nhân từng tham gia vay nặng lãi, sập bẫy cái “vòi” của tín dụng đen

Trình bày với chúng tôi, ông N. bực tức nói: “Hôm làm hợp đồng giả cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà T., khi ra công chứng, yêu cầu tôi ký vô hợp đồng chuyển nhượng. Lúc đó, mặc dù đang rất cần tiền và cũng tin tưởng bà T. chỉ làm hợp đồng giả cách hình thức nên tôi yêu cầu bà T. cho đọc lại hợp đồng thì phát hiện ra chẳng khác nào mình vay dưới hình thức chiếm dụng tài sản nhà cửa. Quá hoảng, tôi đòi hủy, không vay gì cả!”.

Giải pháp nhằm ngăn chặn cái bẫy tín dụng đen

Để ngăn chặn có hiệu quả tín dụng đen, trước hết, cần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, sự tác hại và nguy cơ của tín dụng đen để họ tự phòng tránh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp cho biết: “Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An phổ biến, triển khai, chỉ đạo thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ của ngành, góp phần đầu tư phát triển kinh tế địa phương, tuân thủ nghiêm minh pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo giám đốc các TCTD tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao lập trường chính trị, bản lĩnh, đạo đức của cán bộ ngân hàng, tuyệt đối không dính vào các đường dây tín dụng đen; xử lý nghiêm đối với cán bộ có hành vi, đạo đức vi phạm nghiệp vụ của ngành, vi phạm pháp luật nếu phát hiện;…”

Chính quyền, các đoàn thể địa phương phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi cũng như các biểu hiện, hành vi của những kẻ hoạt động tín dụng đen, cùng với những hệ lụy từ việc vay tiền của những nhóm, cá nhân hoạt động tín dụng đen; nâng cao nhận thức, kết hợp cải thiện đời sống kinh tế của người dân là 2 biện pháp then chốt để từng bước loại bỏ tín dụng đen. Nhà nước tiếp tục tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và xử lý nghiêm minh hoạt động tín dụng đen. Kết hợp đồng bộ các giải pháp thì mới mong có thể loại trừ được “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết