Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

"Kỹ sư" chân đất

Có những nông dân chân lấm tay bùn, dù chưa một ngày được đào tạo qua trường lớp nhưng lại rất nhạy bén, ham tìm tòi, sáng tạo những giải pháp bổ ích, không những phục vụ cho sản xuất của cá nhân mình mà còn sẻ chia cùng cộng đồng, giúp những nông dân khác cùng phát triển.

Người chúng tôi muốn đề cập đến là anh Đinh Văn Sơn, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước.

Anh Sơn chăn nuôi đã nhiều năm nhưng tiền lãi thu về không cao do giá thức ăn ngày càng tăng. Nếu có dịch bệnh, thương lái ép giá thì người chăn nuôi có khi mất trắng. Xuất phát từ ý nghĩ tự chế biến thức ăn gia súc có giá thành thấp, đồng thời tận dụng được những phụ phẩm, phế phẩm khác, anh đã sáng tạo ra chiếc máy ép sấy cám viên để phục vụ chăn nuôi.

Chiếc máy ép sấy cám viên của anh Sơn ngoài sử dụng cám gạo, cám bắp còn có thể dùng phế phẩm cá, súc sản chế biến của các Cty, cơm thừa của bếp nấu suất ăn công nghiệp hay tôm, cua, sò, ốc, rau củ quả từ các chợ,…

Những nguyên liệu trên rất dễ tìm kiếm hay đánh bắt, giá lại rẻ mà còn có thể dùng tươi, ướt chứ không cần phơi khô. Với cám xay xát, thay vì dùng nước để trộn ướt cho vào máy, chúng ta có thể dùng cám khô đó trộn cùng phụ phẩm và một ít muối khoáng vi lượng chạy thành viên thức ăn.

Sau đó, số thức ăn này sẽ được tự động đưa vào băng tải, qua hệ thống sấy từ 15-20 phút sẽ tạo thành viên cám khô. Trung bình một giờ, máy sản xuất được 60-80kg cám thành phẩm. Do chỉ cần một người pha trộn và vận hành máy, trừ giá nguyên liệu đầu vào cùng các chi phí phụ khác, trung bình giá thành thức ăn giảm từ 30-40%. Lợi nhuận của nhà nông từ đó cũng được tăng lên.

Khi vận hành, máy còn có thể tiết kiệm điện năng, tăng năng suất, giảm thời gian cho người sử dụng. Ngoài ra, máy được dùng để sấy nông sản như bắp, đậu, cà phê cùng các loại trái cây khác, chỉ cần chỉnh độ nóng thích hợp là được. Máy cũng có thể dùng để sấy nhang khô cho năng suất trên 500kg mỗi ngày hoặc sấy lúa trong những ngày mưa bão.

Anh Sơn đang sản xuất máy

Bên cạnh chiếc máy ép sấy cám viên, anh còn cho ra đời máy tự vận hành hút rầy và côn trùng có hại trên đồng ruộng. Máy có nhiều ống được ghép lại với nhau như răng lược, khi di chuyển trên đồng, vừa đi vừa kéo theo dàn hút, đưa vào vị trí rầy nằm ở gốc lúa. Khi thao tác trên đồng, máy chuyển động sẽ khiến cây lúa rung nhẹ, rầy rơi ra, máy sẽ hút vào, không phải phun xịt.

Ban đầu, máy chỉ dài khoảng 1 mét nhưng sau này, anh Sơn đã cải tiến dần, nối dài thành 2,5m để di chuyển trên đường lộ, còn khi xuống ruộng thì máy dài đến 4m để dễ dàng bao phủ mặt ruộng. Ngoài ra, anh “kỹ sư” này lại thiết kế bộ phận điều khiển từ xa, đứng trong bán kính 80m là có thể điều khiển cho máy vận hành tự động.

Hiện tại, máy có thể hút được khoảng 85% rầy trên đồng ruộng, 15% rầy còn lại sẽ tự rơi xuống nước và chết, thậm chí cả cào cào, châu chấu phá lúa cũng bị hút vào. Anh Sơn chia sẻ: “Hiện tại, một chiếc máy của tôi có giá thành khoảng 13 triệu đồng. Thế nhưng, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng và đang hoàn thiện để chiếc máy hút rầy ngày càng hiệu quả hơn".

Với các sáng chế của mình, anh Sơn đã hai lần đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp tỉnh năm 2010-2011 và 2013-2014. Đến thời điểm này, với 2 chiếc máy sáng tạo trên, anh Sơn đã có rất nhiều khách hàng đặt mua, không những ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, thậm chí có cả khách hàng ở các tỉnh xa như Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang,… Đây là niềm vui và cũng là động lực để anh phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn trong tương lai.

Nguyệt Nhi-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết