Tiếng Việt | English

19/12/2015 - 13:16

Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được điều chỉnh theo hướng nào?

Một số ý kiến đề xuất, đối với cụm thi THPT Quốc gia do các trường đại học chủ trì nên xác định lại nơi tổ chức.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để xin ý kiến góp ý về phương án tổ chức thi năm 2016. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 nên tiếp tục điều chỉnh để tránh chồng chéo, lãnh phí và phiền hà cho cả xã hội.

Cần điều chỉnh đề thi và cụm thi

Đòi hỏi đề thi phân hóa rõ hơn

Hầu hết lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương đề nghị cần phân loại rõ đề thi dành để xét tốt nghiệp THPT và phần đề để xét tuyển sinh ĐH.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho rằng, cần thay đổi về cơ cấu đề thi. Đề thi “2 trong 1” nên có hai đối tượng dự thi, đối tượng 1 dành cho HS chỉ thi tốt nghiệp THPT và đối tượng 2 là học sinh dự thi với hai mục đích. Cả hai phần đều có điểm tuyệt đối riêng, nếu cứ chấm chung cả hai phần như vừa qua thì học sinh có học lực trung bình, chưa làm bài đã mất 40% điểm phần nâng cao, dẫn tới kết quả tốt nghiệp thấp.

Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị, nên có độ khó tăng dần để mức điểm phân hóa rõ. Phổ điểm năm 2015 đẹp nhưng lại khó cho các trường ĐH trong công tác tuyển sinh. “Đề thi ngay cả có mở thế nào thì cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để đảm bảo việc dạy gì thi nấy, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Bộ GD&ĐT trả lời sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các trường và dư luận xã hội về phương án tổ chức thi. Sau đó, Bộ sẽ tổng hợp, thống nhất và hoàn thiện, sớm công bố quy chế thi THPT Quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016 trước Tết Nguyên đán”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Nguyễn Vinh Hiển

Bên cạnh đó, nhiều kiến cũng góp ý về cách tính điểm ưu tiên theo xu hướng nên giảm dần mức độ ưu tiên. Thực tế, điểm ưu tiên đối với việc xét tốt nghiệp THPT cũng bình thường nhưng điểm ưu tiên đối với việc xét tuyển ĐH rõ ràng có những bất hợp lý. Rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nên xem xét ưu tiên ở ngành nghề nào đó thôi, còn những ngành nghề khác phải hết sức cân nhắc. Cũng cần xem lại việc ưu tiên có mâu thuẫn với mục tiêu phân luồng sau THPT hay không, cần phải xem xét để tạo công bằng và khuyến khích học sinh giỏi… Với những bất cập trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình đề xuất nên thay đổi theo hướng giảm 20 - 25% số điểm ưu tiên để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hứa sẽ tiếp thu và điều chỉnh những bất hợp lý.

Phân định rõ trách nhiệm của địa phương và trường đại học

Những bất cập trong vấn đề cụm thi của kỳ thi vừa qua cũng thu hút nhiều kiến nghị. Đa số các ý kiến phát biểu đều cho rằng, vẫn nên có hai loại cụm thi, nhưng đề nghị thay đổi khâu tổ chức.

Đại diện một Sở GD&ĐT khu vực phía Nam còn cho rằng, việc tổ chức hai loại cụm thi như năm 2015 rất bất hợp lý và chưa công bằng giữa thí sinh có điều kiện ở các thành phố, tỉnh lỵ không phải di chuyển nhiều và thí sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa phải di chuyển rất xa về thành phố để dự thi, chi phí ăn ở đi lại trong mấy ngày thi không hề nhỏ. Vì thế, nên chăng tổ chức ở mỗi tỉnh một cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các trường ĐH sẽ đưa giảng viên, cán bộ của mình về các tỉnh, các trường tốn kém hơn nhưng rõ ràng sẽ ít hơn nhiều chi phí mà hàng trăm ngàn thí sinh, phụ huynh phải bỏ ra để di chuyển về tỉnh, thành khác dự thi. Như vậy, sẽ tiết kiệm cho xã hội nhiều hơn và công bằng hơn với thí sinh.

Một số ý kiến đề xuất, đối với cụm thi do các trường ĐH chủ trì nên xác định lại nơi tổ chức. Có thể linh hoạt 2 tỉnh trở lên và có thể đặt tại hai trung tâm của hai tỉnh, như thế sẽ thuận lợi hơn và sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất. Còn các địa phương nhỏ thì 2 - 3 tỉnh dồn về 1 tỉnh và tỉnh đó sẽ phải kéo dài điểm thi đến tận các huyện, như vậy việc đi lại cũng như các khâu hậu cần cho kỳ thi rất khó khăn.

Về cụm thi do địa phương chủ trì, nên rải ra về tận các huyện để thí sinh không phải đi lại quá xa. Việc điều chỉnh kỳ thi cho phù hợp là cần thiết, nhưng xin lưu ý ý kiến cho rằng: Thi tốt nghiệp là để học sinh kết thúc 12 năm học, còn thi đại học là để tuyển người có đủ khả năng học cao hơn. Xin ngành giáo dục hiểu rõ điều này để phân định rõ trách nhiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương, còn thi tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học./.

Hoàng Dũng/báo VOV

Chia sẻ bài viết