Tiếng Việt | English

20/01/2016 - 06:57

Kỹ thuật mới điều trị thoái hóa van tim

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vừa áp dụng một kỹ thuật mới trong điều trị hẹp van tim, đó là kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông.

Ngày 19/1, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, bệnh viện vừa áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị van tim bị thoái hóa. Kỹ thuật này sẽ giúp bệnh nhân tránh được nhiều tai biến sau phẫu thuật.

Các bác sỹ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vừa áp dụng một kỹ thuật mới trong điều trị hẹp van tim, đó là kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông.

Bệnh nhân 81 tuổi được thay van động mạch chủ qua ống thông tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM

Đây được xem là kỹ thuật phù hợp cho những bệnh nhân có thể trạng sức khỏe kém vẫn có thể điều trị bệnh van tim. Hai ca phẫu thuật lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật mới này đã được thành công, đó là một cụ ông 81 tuổi ở TP HCM và một cụ bà 78 tuổi ở tỉnh Gia Lai.

Hai bệnh nhân này đều bị suy tim do hẹp van động mạch chủ, đồng thời mắc một số bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp…Trước đó, bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, nặng ngực khi gắng sức. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong sau 2 đến 3 năm kể từ khi phát hiện các triệu chứng hẹp van tim.

Phương pháp điều trị truyền thống là phẫu thuật van tim, phải dùng máy tim phổi nhân tạo nên bệnh nhân phải nằm viện khá lâu. Tuy nhiên, với những bệnh nhân cao tuổi, có kèm các bệnh khác như bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gan… khó chịu đựng được những phẫu thuật như vậy.

Theo Phó Giáo sư Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thì kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông có thể giúp bệnh nhân dễ dàng vượt qua các ca phẫu thuật về tim.

Ông Bình nói: “Người ta chế tạo ra một cái van nhỏ có thể thu nhỏ lại trong một ống thông. Đưa ống thông vào đường mạch máu như từ ở đùi lên thẳng chỗ van tim bị hẹp. Sau đó đẩy van ra khỏi ống thông là van bung ra thay thế cho van tim bị hẹp. Với kỹ thuật này, không cần gây mê mà chỉ gây tê ở đùi, cũng không cần mở ngực. Do đó, phù hợp với những bệnh nhân có nguy cơ cao”./.

Hiếu Hiền/VOV – TP HCM

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích