Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Họp mặt truyền thống Chợ Lớn - Trung Huyện, Chi đội 15-Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh lần thứ 29

Ký ức không quên

Hôm nay, ngày 16-1-2015, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Bến Lức, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Bến Lức tổ chức họp mặt truyền thống Chợ Lớn - Trung Huyện, Chi đội 15 - Trung đoàn 308 nguyễn an ninh lần thứ 29. Đây là dịp để chúng ta tri ân, ôn lại truyền thống anh hùng, bất khuất của quân và dân Chợ Lớn - Trung Huyện năm xưa, qua đó góp phần bồi đắp thêm tình cảm cách mạng, niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, để cùng ra sức rèn luyện, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cựu chiến binh, Đại úy Nguyễn Minh Hoàng - chiến sĩ Chi đội 15 - Trung đoàn 308 chăm sóc cây kiểng

Tỉnh Chợ Lớn được chính quyền Pháp thành lập từ ngày 1-1-1900, là 1 trong 20 tỉnh ở Nam kỳ lúc bấy giờ, gồm 4 quận: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Trung Quận (sau đổi thành Trung Huyện), nay thuộc quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, quận Bình Tân,  huyện Bình Chánh, TP.HCM và các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là địa bàn chiến lược của ta, là cầu nối vững chắc giữa Đảng với dân, giữa miền Đông và miền Tây, giữa bưng biền kháng chiến với nội thành Sài Gòn. Đây còn được xem là vùng trọng điểm của chính sách “tố cộng, diệt cộng”, “bình định”, “tìm diệt” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tuy nhiên, bất chấp lưỡi lê, họng súng của kẻ thù, những người dân chân chất, thật thà của Chợ Lớn - Trung Huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tổ chức nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn làm kinh hoàng bọn ác ôn.

Từ những ngày đầu chống thực dân Pháp, Chợ Lớn - Trung Huyện luôn là cái nôi sản sinh ra nhiều anh hùng, nghĩa sĩ, nổi tiếng khắp vùng. Trong Cách mạng Tháng Tám, nếu như Chợ Lớn là nơi Tỉnh ủy họp quyết định ngày tổng khởi nghĩa, thì Tân An là nơi tiên phong giành chính quyền ở Nam bộ. Và cũng từ nơi đây, trong những năm ác liệt nhất của chiến tranh, Chi đội 15 (sau thành Trung đoàn 308) - một trong những đơn vị võ trang đầu tiên do Đảng trực tiếp lãnh đạo đã ra đời. Từ nhân dân mà sinh ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Trung đoàn 308 đã sớm phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, lớn mạnh không ngừng, lập nhiều chiến công, tiêu biểu như: Trận Vườn Tràm - Đức Hòa, Vườn Thơm - Lương Hòa, Phước Vân, Chợ Đệm, và nhất là trận Láng Le - Bàu Cò một thời đã làm cho quân thù khiếp sợ. Qua đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã nêu gương kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, như: Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Văn Tưởng, Thiếu tướng Tô Ký,… Và tất cả những hy sinh, gian khổ ấy đã góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Mỗi lần họp mặt truyền thống, sau những cái bắt tay, những lời động viên thăm hỏi, các đồng chí từng chiến đấu tại Chợ Lớn - Trung Huyện năm xưa lại bùi ngùi kiểm lại những đồng đội cũ. Nay, người có mặt, người không đi dự được vì sức khỏe kém, người đã mãi mãi ra đi. Dẫu mỗi năm mỗi vắng đi nhiều gương mặt thân quen nhưng tinh thần và bầu nhiệt huyết cách mạng, sự đoàn kết gắn bó giữa các quận, huyện vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.

Được mời về dự họp mặt lần này, Đại úy Nguyễn Minh Hoàng, ở khu phố 7, thị trấn Bến Lức - chiến sĩ thuộc Chi đội 15 - Trung đoàn 308 vô cùng phấn khởi và sắp xếp thời gian mong sớm được gặp lại những người đồng đội của mình. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 79 nhưng ông Hoàng vẫn còn minh mẫn lắm. Hỏi về những kỷ niệm năm xưa, ông bồi hồi nhớ lại: Tôi tham gia lực lượng công an xung phong Trung Huyện từ năm 14 tuổi, làm nhiệm vụ trinh sát đặc công. Sau khi Quân khu 7 chia giải phóng quân liên huyện thành 3 chi đội (12, 14 và 15), tôi được phân về Chi đội 15 thuộc tỉnh Chợ Lớn. Tại Bến Lức, đơn vị chúng tôi rải quân từ Vườn Thơm cho đến Bà Vụ. Lúc ấy, so tương quan lực lượng, địch có ưu thế hơn ta rất nhiều, nhưng nhờ được sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, và dưới sự lãnh đạo của Đảng, đơn vị chúng tôi không ngừng lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công vang dội. Năm 1954, tôi cùng một số đồng đội tập kết ra Bắc, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy chỉ hoạt động tại đây trong vài năm ngắn ngủi nhưng với tôi, đó là những ký ức không thể nào quên. Giờ sống trong cảnh thanh bình, chưa lúc nào tôi quên được những đồng đội đã từng chiến đấu và hy sinh để chúng ta có được nền độc lập như hôm nay.

Truyền thống đoàn kết chiến đấu của quân và dân Chợ Lớn - Trung Huyện đã đi vào lịch sử, trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nay, dù nhiều đồng chí từng sống và chiến đấu tại nơi đây đã mãi mãi ra đi, nhưng truyền thống vẻ vang, hào hùng của Chợ Lớn - Trung Huyện vẫn tiếp tục được thế hệ hôm nay ghi nhớ và phát huy mạnh mẽ, từ đó nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

KỲ NAM

 

Chia sẻ bài viết