Tiếng Việt | English

05/06/2018 - 21:58

Là bệnh binh nhưng không đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở

Trong đơn gửi đến Tòa soạn Báo Long An, bà Nguyễn Thị Mây, ngụ 191/20, đường Huỳnh Châu Sổ, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An khiếu nại việc bà thuộc đối tượng được hưởng chế độ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công về nhà ở” nhưng lại không được xét hỗ trợ.

Bà Mây là bệnh binh (suy giảm khả năng lao động 45%), nhiều năm phải thuê nhà trọ để ở. Năm 2014, nhận được tin người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bà làm đơn gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Tân An xin được xét cấp chế độ hỗ trợ này. Thời điểm đó, bà ở phường 4 và hiện nay thường trú tại phường 6 nhưng cả 2 phường đều không chấp thuận việc bà được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 22.

Bà Mây bức xúc: “Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TP.Tân An cho rằng, tôi không đủ điều kiện hưởng chế độ theo Quyết định số 22 và hướng dẫn làm đơn, hưởng theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ để được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Từ số tiền tích góp và vay mượn thêm, tôi mua 100m2 đất tại phường 6, TP.Tân An. Trong thời gian chờ được hỗ trợ, tôi vay, mượn tiền xây nhà để che nắng, che mưa nhưng địa phương thông báo, không đồng ý xét cho tôi hưởng chế độ hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa”.

Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người có công với cách mạng được hỗ trợ 20-40 triệu đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở. Đối tượng được hỗ trợ phải có đủ 2 điều kiện: Hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan thẩm quyền công nhận; hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây). Điều 1, Quyết định số 22 cũng quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình mà người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 15/6/2013).

Trao đổi với phóng viên về việc này, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tân An - Trần Thị Chiếm cho biết: “Bà Mây không có hộ khẩu thường trú tại nhà ở trước ngày 15/6/2013. Bà thuê nhà ở phường 2 trước năm 2014, từ năm 2014 đến 2016, bà ở trọ tại phường 4. Từ năm 2016 đến nay, bà sinh sống tại phường 6. Như vậy, trường hợp bà Mây không đủ điều kiện hưởng theo Quyết định số 22”.

Theo biên bản cuộc họp ngày 26/11/2014 của tổ 9, khu phố Bình Cư 1, phường 4 (nơi bà Mây thuê trọ) và cuộc họp liên khu phố Bình Cư 1 và tổ 9, khu phố Bình Cư 2, những người tham gia đều thống nhất, bà Mây hiện không có nhà ở tại 2 khu phố và không đồng ý việc hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho bà. Nguyên nhân, trước đây, bà Mây có nhà ở phường 2, sau đó bán và thuê trọ sinh sống trên địa bàn phường. Để tiện cho con đi học, bà nhập hộ khẩu vào nhà anh Trần Văn Khương (cháu gọi bà bằng cô), số 90A, đường Lưu Văn Tế, khu phố Bình Cư 2, phường 4, nhưng gia đình bà không sinh sống tại địa chỉ này. Cuộc họp ngày 23/12/2014, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố và các hộ dân tổ 9, khu phố Bình Cư 2 đều cho rằng, không biết bà Mây là ai, hoàn cảnh kinh tế gia đình ra sao. Bà Mây không tham gia bất kỳ cuộc họp, sinh hoạt nào của khu phố, không có đóng góp cho khu phố trong suốt thời gian qua.

Chủ tịch UBND phường 6 - Châu Thị Tuyết Trinh xác nhận, từ năm 2016 đến nay, bà Mây sống tại địa chỉ 191/20, đường Huỳnh Châu Sổ, khu phố Xuân Hòa 2. Bà thuộc đối tượng chính sách, là hộ cận nghèo, hưởng trợ cấp hàng tháng. Địa phương có tiếp nhận đơn xin hỗ trợ xây nhà tình nghĩa nhưng thực tế, bà Mây đã xây dựng nhà một trệt có gác lửng trên phần đất có diện tích 100m2, tại số 191/20 đường Huỳnh Châu Sổ, khu phố Xuân Hòa 2. Sau khi họp tổ dân phố, tất cả đều thống nhất không đồng ý hỗ trợ xây dựng nhà cho bà vì không đủ điều kiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và quy định tại Điều 9, Nghị định 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích