Tiếng Việt | English

11/12/2019 - 20:25

Lạ lẫm bán đồ qua sông bằng "cáp treo"

Sông rộng, ít cầu, người dân vùng sâu xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chế ròng rọc kéo qua sông bán đồ, tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn so với đi xuồng hoặc đi đường vòng.

Do địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nên nhiều người dân ấp Ông Quới, xã Thạnh Phước vẫn còn duy trì mua bán đồ qua sông bằng ròng rọc
Do địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nên nhiều người dân ấp Ông Quới, xã Thạnh Phước vẫn còn duy trì mua bán đồ qua sông bằng ròng rọc

Buổi trưa, chị Nguyễn Thị Nơi (41 tuổi) ngụ ấp Ông Quới, xã Thạnh Phước, đang nấu cơm thì nhà hết dầu ăn. Chị Nơi liền đi bộ ra phía trước bờ rạch Cái Tôm, cách nhà 200m. Đứng bên bờ con sông rộng khoảng 50m, chị cất tiếng gọi to: “Chị Tư ơi, bán em chai dầu ăn!”. Nghe tiếng gọi bên kia bờ sông, người phụ nữ từ trong căn tiệm tạp hóa nhỏ chạy ra hỏi vọng lại: “Có thối không?”. Sau khi nghe bờ bên kia bảo “Tờ 100 ngàn”, chủ quán chạy vào lấy chai dầu ăn mang ra bến sông, kèm theo tiền thối bỏ vào trong cái giỏ xách nhựa được gắn với hệ thống ròng rọc qua sông.

“Kéo đi!”, chủ quán ra hiệu cho bên kia bờ, khoảng hai phút, chiếc giỏ xách chở đồ sang đến bờ bên kia. Chị Nơi hạ giỏ lấy chai dầu ăn rồi bỏ tiền vào giỏ xách, ra hiệu cho chủ tiệm kéo giỏ ngược trở lại. Nhiều năm nay, đây là cách mà nhiều người dân sống hai bên rạch Cái Tôm mua bán, trao đổi hàng hóa, khi mà con sông dài đến 15km nhưng hiện mới chỉ có 2 cây cầu bắc qua.

“Vùng sâu, ít cầu, đi xe đường vòng thì xa đến 3-4km, còn bơi xuồng thì mất thời gian, bởi vậy mỗi lần muốn mua nước mắm, bột ngọt, dầu ăn là phải nhờ cái ròng rọc này” - chị Nơi nói.

Bà Lê Thị Thiện (49 tuổi, chủ tiệm tạp hóa) chia sẻ, vợ chồng bà bán đồ bằng cáp treo đến nay đã được khoảng 3, 4 năm. “Nhờ có cái này kéo qua kéo lại bán ngày cũng được hơn một trăm đến hai trăm ngàn. Hệ thống rất đơn giản, gồm hai cây trụ lớn cắm ở hai đầu bờ sông, trên có giăng dây kèm ba ròng rọc, tổng chi phí chỉ khoảng 400 ngàn đồng” - bà Thiện nói. Lợi thế của cáp treo là trẻ em cũng có thể dễ dàng tự kéo dây để mua hàng.

Theo nhiều người dân, khoảng 10 năm trước, bán đồ qua sông bằng "cáp treo" rất phổ biến ở địa phương. Về sau, do đường sá ngày càng được đầu tư tốt hơn nên hiện nay chỉ có vài nơi còn giữ kiểu bán hàng “độc nhất vô nhị này”.

Mấy năm nay, nhờ bán đồ qua sông, bà Lê Thị Thiện có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống

Mấy năm nay, nhờ bán đồ qua sông, bà Lê Thị Thiện có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống

Xã Thạnh Phước có diện tích tự nhiên  khoảng 7.740ha, lớn hơn so với các xã khác trên địa bàn huyện. Địa bàn rộng cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt khiến cho việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2011, địa phương này được huyện chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015. Khi ấy, Thạnh Phước chỉ đạt 4/19 tiêu chí nông thôn mới. Đến năm 2015, năm 2016, xã vẫn chưa đạt 19/19 tiêu chí theo lộ trình. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về kinh phí. Nhờ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn 300 tỉ đồng sau đó, xã đã tập trung cho tiêu chí giao thông, chiếm gần 40% tổng số vốn.

Đến nay, gần 20km đường trục xã được nhựa hóa phần lớn. Ngoài ra, xã có 18,9/18,9km đường trục ấp, 14,2/16,2km đường trục xóm và gần 14km đường trục chính nội đồng được cứng hóa.

“Từ đầu năm 2018, xã đón nhận xã nông thôn mới. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều kênh, rạch nên thời gian qua, địa phương tiếp tục nhận được hỗ trợ xây dựng thêm một số cầu trên địa bàn, để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn” - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - Nguyễn Duy Thoại thông tin./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích