Tiếng Việt | English

24/04/2017 - 17:21

Làm “bạn” với người điên

Nhắc đến bệnh nhân tâm thần, có lẽ, rất nhiều người ngán ngại khi tiếp xúc, chuyện trò, thậm chí còn xem thường, xa lánh họ. Thế nhưng, có những người ngày đêm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, thậm chí kề cận đến lúc họ qua đời, thiếu vắng cả tình thương của những người thân,...

Không chỉ là nhiêm vụ

Tại Long An, Bệnh viện (BV) Tâm thần điều trị và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng những người bệnh tâm thần vô gia cư hay được gia đình gửi đến. Bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được tư duy, cảm xúc và hành vi, đặc biệt, những người điên sa sút khi bị kích động có thể tấn công cả người thân hay những người xung quanh. Chính vì vậy, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tâm thần là công việc đầy áp lực và thử thách.

Các y, bác sĩ ân cần chăm sóc người bệnh tâm thầnĐến nay, dù còn nhiều khó khăn về nhân sự, trang thiết bị nhưng Long An là một trong những địa phương có nơi điều trị tốt nhất cho bệnh nhân tâm thần. BV Tâm thần Long An hiện có 112 BN nội trú và trên 200 lượt khám ngoại trú/ngày. Trưởng khoa Phòng khám - Cấp cứu BV Tâm thần Long An - Bác sĩ (BS) Lưu Văn Tuyết chia sẻ: “Những BS mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ cảm thấy e ngại, nhất là với những người bị điên sa sút khả năng tư duy, nhận thức không còn sáng suốt. Thật ra, họ như một đứa trẻ ngô nghê, vẫn vui mừng, xúc động khi cảm nhận được tình thương hay phẫn nộ nếu bị rầy la, quát nạt. Làm người thầy thuốc phải như người bạn, nắm vững tâm lý người bệnh, nói chuyện nhẹ nhàng thì họ sẽ dễ dàng hợp tác hơn”.

Quả thật, rất nhiều sinh viên mới ra trường ngán ngại khi được phân công làm việc tại BV Tâm thần. Thế nhưng, khi gắn bó lâu dài thì mới thấu hiểu, cảm thông và yêu thích công việc mình đã chọn. Anh Dương Phương Lâm - Điều dưỡng Trưởng khoa Tâm thần tổng hợp BV Tâm thần Long An cho biết: “Ban đầu, những người mới làm việc còn e dè vì thấy bệnh nhân đập phá, cào cấu, la hét,... nhưng rồi, chúng tôi cũng dần quen, nhiều bệnh nhân rất ngoan hiền, lễ phép chứ không phải ai cũng hung dữ. Khi được chăm sóc tại đây, họ sẽ an toàn hơn khi tự do bên ngoài, nhất là những bệnh nhân nữ thì nguy cơ bị lạm dụng rất cao nếu không được gia đình quan tâm, kiểm soát. Công việc tuy vất vả nhưng thấy BN ổn định sức khỏe, mình cũng vui lây!”.

Giám đốc BV Tâm thần Long An - BS Nguyễn Đình Mỹ cho biết: “Tôi có 32 năm gắn bó với các bệnh nhân tâm thần. Đến giờ, tâm thần vẫn là 1 trong 5 chuyên ngành hiếm mà rất nhiều sinh viên Y khoa ngán ngại bên cạnh lao, phong, pháp y, giải phẫu bệnh. Vì vậy, việc thiếu hụt y, BS đến giờ vẫn là bài toán nan giải. Thật ra, càng tiếp xúc, càng gắn bó với công việc này, tìm hiểu, cập nhật kiến thức chuyên môn thì tôi lại càng say mê nghiên cứu. Người thầy thuốc không chỉ có chuyên môn điều trị mà còn phải thấu hiểu, phải xem bệnh nhân là bạn, trò chuyện, hỏi han ân cần thì họ mới sẵn sàng hợp tác. Xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn về bệnh tâm thần, không còn sự phân biệt đối với những người chẳng may mắc phải căn bệnh này”.

Hết lòng vì… những “người dưng”

Bên cạnh BV Tâm thần, có dịp đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng ta sẽ hiểu được sự vất vả mà các y, BS cùng nhân viên chăm sóc phải trải qua. Trung tâm hiện có 30 nhân viên chăm sóc cùng 9 cán bộ y tế thay phiên nhau túc trực ngày đêm chăm lo cho 320 người bệnh tâm thần, trong đó có rất nhiều người bệnh nặng, già yếu, không người thân. Công việc của cán bộ y tế tại đây vất vả hơn rất nhiều so với BV Tâm thần. Bởi, bên cạnh tâm thần thì bệnh nhân còn mắc các bệnh nội khoa khác: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp,...

Đặc biệt, với những bệnh nhân bị tâm thần nặng, khả năng gây nguy hiểm cho người khác rất cao khi không kiểm soát được hành vi, cảm xúc, đang là “bạn”, họ có thể bất ngờ tấn công người đối diện như “kẻ thù”. Do đó, bên cạnh kiến thức chuyên môn, người chăm sóc, điều trị bệnh nhân không chỉ có kinh nghiệm mà rất cần tình thương, sự cảm thông với những hoàn cảnh bất hạnh này.

BS Nguyễn Hữu Phương, người có 14 năm gắn bó tại trung tâm cho biết: “Tất cả bệnh nhân tại đây đều rất đáng thương, có người vô gia cư, mất liên lạc với gia đình; có người còn người thân nhưng bị xa lánh, ghẻ lạnh, không ai quan tâm và cũng có người lặng lẽ qua đời mà chẳng biết họ hàng, quê quán,... Tôi từng bị thất lạc một người chị trong chiến tranh, đến nay chẳng biết sống chết ra sao và một người cậu ruột bị thiểu năng trí tuệ, nhiều lần bỏ nhà đi lang thang, có khi bị mất tích đến hơn 2 năm nên tôi hiểu được cảm giác mất người thân, đồng cảm với bệnh nhân và người nhà của họ. Chính vì vậy, dù công việc vất vả, áp lực nhưng bản thân tôi cũng như các cán bộ, nhân viên tại đây luôn xem bệnh nhân như người thân, bè bạn. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện với họ mỗi khi có cơ hội vì biết đâu, trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi, họ có thể tiết lộ một số thông tin quý báu giúp mình tìm được quê quán, liên lạc người thân”.

Nhân viên Trung Tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tận tụy chăm sóc người bệnh tâm thần

Năm 2016, trung tâm có 19 bệnh nhân bị thất lạc người thân nhưng cũng có rất nhiều trường hợp được đoàn tụ gia đình nhờ những thông tin khai thác được. Nhiều trường hợp quê ở tận Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc, thất lạc trên 10 năm, 20 năm vẫn tìm lại được gia đình. Và, cũng có những trường hợp liên lạc được người thân, chưa kịp vui niềm vui sum họp thì lại tiếp tục bị chính các con, vợ, chồng bỏ mặc.

Chị Phạm Thị Lan - nhân viên chăm sóc tại trung tâm bộc bạch: “Khi giúp người bệnh gặp lại người thân, thấy họ khóc, mình cũng rơi nước mắt vì xúc động. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, phải cảm thông thì mới đủ tình thương yêu để chăm sóc họ. Không phải bệnh nhân nào cũng hung dữ, khó chịu, nhiều người rất hiền lành, dễ thương nên chúng tôi hiểu ý mà có cách cư xử phù hợp. Tôi gắn bó với công việc này trên 15 năm, thời gian đầu, vì quá vất vả mà có lúc nản lòng, nhất là những khi phải vệ sinh, chăm sóc những người vô gia cư mới được tiếp nhận. Thế nhưng, dần rồi cũng quen, cứ xem họ như bạn, người nhà, thường xuyên trò chuyện, quan tâm dù chưa chắc họ hiểu được nhưng chúng tôi nghĩ, lấy tình thương, tấm lòng mình đối đãi thì họ sẽ cảm nhận được mà thôi!”.

Quả thật, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ, những gì xuất phát từ trái tim mới có thể đi đến trái tim, dù là người bình thường hay mất đi lý trí. Chẳng ai trên đời này lại muốn mình trở thành người chẳng có tâm hồn, cảm xúc; chẳng ai muốn mình mất kiểm soát hành vi, gây khó chịu, nguy hiểm cho người khác. Phải cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia bằng tất cả tình thương, sự bao dung thì mới có thể hết lòng chăm sóc, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Giúp người cũng là giúp ta, bởi vì, tình thương cho đi thì yêu thương nhận lại!

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết