Tiếng Việt | English

22/06/2017 - 11:26

Làm báo đa phương tiện

Hiện nay, sự bùng nổ thông tin tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Theo hình thức truyền thông truyền thống, với một loại hình báo chí, thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem. Nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện (ĐPT), tính chất đơn nhất ấy bị phá vỡ. Khi thể hiện thông tin trên website, có thể vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio) - đó là phương thức truyền tải thông tin đặc thù của truyền thông ĐPT. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thỏa mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống.

Trước nhu cầu phát triển của loại hình báo chí ĐPT, cần có những người làm báo có kỹ năng tác nghiệp linh hoạt, biết sử dụng thành thạo các tiện ích của công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, không phải tòa soạn báo chí nào cũng có những nhà báo biết khai thác tính năng ĐPT này đều thuận lợi và thành công ngay. Bởi, việc chuyển đổi phương thức tác nghiệp như vậy luôn đòi hỏi nhiều điều kiện phù hợp.

Làm báo đa phương tiện tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ so với loại hình truyền thông truyền thống

Phóng viên Lê Đức (Phòng Xây dựng Đảng, Nội chính và Bạn đọc - Báo Long An) là một trong những phóng viên đầu tiên tiếp xúc với cách làm báo ĐPT. Và, để có được những tác phẩm báo chí ĐPT, Lê Đức phải tìm tòi, nỗ lực, học tập, nghiên cứu rất nhiều.

Đối với anh, làm báo ĐPT vẫn là điều còn mới mẻ và anh đang học tập nhiều từ đồng nghiệp. Mỗi ngày học một chút, một tác phẩm ra đời, anh lại nhờ đồng nghiệp “chê” và “khen” giùm. Mỗi lần như thế, anh nói, thấy “sáng” ra nhiều điều bởi có những cái tưởng như đơn giản nhưng nếu không ai chỉ ra thì không biết được.

Chẳng hạn, khi quay thì phải quay thế nào để thể hiện được điều cần nhấn mạnh, quay sao cho đúng khung hình, đặc tả phù hợp để toát lên điều phóng viên muốn hướng đến. Còn dựng thì phải thế nào cho đúng trục và thể hiện tác phẩm phải ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý.

Phóng viên Lê Đức cho biết: Làm báo ĐPT, phóng viên phải biết nhiều kỹ năng: Khai thác thông tin, viết tin, bài, kịch bản, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, dựng, thậm chí còn phải tự làm người dẫn hiện trường,... Hiện nay, trước nhu cầu của công việc, đòi hỏi nhiều khi ở một sự kiện, vấn đề nào đó, phải tự “tác chiến” độc lập nên mỗi nhà báo phải hội tụ được nhiều yếu tố, kỹ năng trên để làm tác phẩm báo chí ĐPT. Tuy nhiên, để có những tác phẩm ĐPT tốt, chất lượng cao thì nhà báo phải có tư duy nhanh nhạy trước các sự kiện để đưa ra phương án nhanh nhất có thể áp dụng phù hợp tốt nhất về thông tin, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh. Đồng thời, một nhà báo ĐPT cần tác nghiệp nhanh ở mọi lúc, mọi nơi, bởi với báo chí hiện nay, yêu cầu thông tin kịp thời là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.

“Ngoài ra, để trở thành một người làm báo ĐPT giỏi thì yêu cầu quan trọng là phải làm chủ được kỹ thuật, phương tiện (điện thoại, máy ảnh, máy quay, máy tính,...) để xử lý công việc. Đây cũng là vấn đề tôi còn rất yếu nên đang cố gắng khắc phục trong thời gian tới để có những tác phẩm báo chí ĐPT tốt hơn” - phóng viên Lê Đức chia sẻ.

Theo phóng viên Thanh Hiểu (Phòng Báo Điện tử và Tư liệu - Báo Long An), nhằm phục vụ yêu cầu ngày càng cao của độc giả, đòi hỏi người làm báo phải có sự chuyên nghiệp, trách nhiệm trong công việc và khả năng kết hợp ngôn ngữ viết, hình ảnh, âm thanh, video,... để sáng tạo sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, phóng viên phải có tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao tay nghề, làm chủ công nghệ, phục vụ công việc hiệu quả hơn.

Biên tập viên Báo Long An điện tử đang tác nghiệp

Thanh Hiểu cho biết: “Hiện nay, làm báo ĐPT, ngoài nhanh, nhạy, tư duy tốt, sử dụng được các phương tiện kỹ thuật thì phóng viên phải luôn trung thực với công việc, xác minh kỹ vấn đề để tránh sai sót. Làm báo ĐPT phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đam mê nghề nghiệp, sáng tạo. Nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhà báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền”.

Và có một điều mà tôi muốn nói đến như là một yếu tố rất quan trọng, đó là sự đam mê. Có nhiều cách để bước chân vào nghề báo, đôi khi bạn chủ động chọn nghề hoặc cũng có thể nghề vô tình chọn bạn. Nhưng dù ở trường hợp nào thì một nhà báo cũng không thể trụ vững, sống trọn với nghề nếu không có đam mê.

Nếu như trước đây, nhà báo chỉ cần biết chụp ảnh hoặc chỉ chuyên về viết tin, bài cho báo in, quay phim cho truyền hình hoặc chỉ chuyên biên tập cho phát thanh thì hiện nay, mô hình chuyên biệt hóa như vậy không còn thích hợp nữa.

Việc báo in có thêm báo điện tử trên Internet,... cùng với sự tương tác chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí buộc phóng viên phải thay đổi cách làm việc. Nhà báo có thể tham gia vào việc thực hiện các tác phẩm thuộc các loại hình báo chí khác nhau: Vừa quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết bài, vừa dàn dựng,...

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết