Tiếng Việt | English

17/03/2018 - 23:00

Làm báo thời cách mạng 4.0: Ngoài nghề giỏi cần tâm sáng

Bên cạnh những lợi ích, báo chí sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Và, theo các chuyên gia, dù công nghệ là công nghệ là yếu tố rất quan trọng, nhưng cái tâm của người làm báo chính là căn bản để báo chí Việt Nam phát triển bền vững.


Các nhà báo tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thách thức từ 4.0

Tại tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 17/3 (trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018), tiến sỹ Trần Quang Diệu (Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt.

Theo ông Diệu, cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, cách thức làm báo đã và đang thay đổi. Với thời công nghệ số, công chúng cũng thay đổi khi ngày nhiều người dùng smartphone để đọc, xử lý thông tin. Do đó, các các kênh thông tin phải tích hợp công nghệ đa nền tảng để phục vụ nhu cầu của công chúng…

Về phía cơ quan đào tạo, ông Diệu nói Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng một số chương trình đào tạo mới, trong đó có truyền thông đa phương tiện, truyền thông đại chúng, truyền hình chất lượng cao..., đầu tư làm các studio hiện đại, mời các chuyên gia, nhà báo nổi tiếng để xây dựng chương trình…

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, nhà báo hiện đại không chỉ biết kỹ năng 3 trong 1 (viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn). Ngoài ra, họ cần phải biết những kỹ năng khác như tương tác mạng xã hội, lập trình

Do đó, các nhà báo cần được học vấn đề này ở mức độ nhất định bởi việc tương tác với mạng xã hội là cần thiết để bài báo được lan tỏa rộng rãi. Thậm chí, cách thức để có vị thế trên mạng xã hội cũng cần phải được học, nghiên cứu chứ không hề dễ dàng.

Nói về báo chí 4.0, ông Minh cho hay, một tờ báo nước ngoài có cách thức làm tin hiện đại. Khi bài đăng, ở phần bình luận, khi người đọc trả lời câu hỏi thì thông tin sẽ tự hiện ra. Hoặc, như AP là cơ quan báo chí đầu tiên dùng trí tuệ nhân tạo để viết tin… 

Xu hướng đọc trong tương lai cũng được dự báo, với sự thông minh của các thiết bị đeo tay, rất có thể trong tương lai gần, cách thức đọc sẽ không điều khiển bằng cách gõ mà bằng âm thanh, giọng nói.

Theo ông Minh ứng dụng công nghệ 4.0 vào làm báo là rất tiềm năng, hiệu quả nhưng rất cần ý chí quyết tâm của lãnh đạo báo chí về việc đầu tư, thay đổi tư duy…

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho hay, tọa đàm này là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội Báo toàn quốc 2018. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Không được quên cái tâm của người làm báo

Nhấn mạnh vai trò của công nghệ, song Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định dù công nghệ có cao siêu đến đâu thì vai trò cốt lõi nhất vẫn là cái tâm của người làm báo.

Theo ông, mỗi người làm báo có nhận định về một vấn đề theo cách riêng và để làm tốt nhiệm vụ, nhà báo phải luôn luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, người làm báo hiện nay đang bị tác động, "rung lắc" hơn bao giờ hết.

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, chưa bao giờ việc lọc thông tin, tìm sự thật khó như hiện tại. Nhiều sự việc chỉ 2-3 tiếng có hàng triệu bình luận, nhưng có khi hai ba hôm sau lại đảo chiều. Có một vấn đề nguy hiểm, là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi mà áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho biết nhiều nhà báo dùng mạng xã hội để chia sẻ bài viết để tiếp cận độc giả. Bên cạnh tích cực, lại có một hiện tượng là trong bài viết đăng báo thì nội dung không có vấn đề nhưng dòng trạng thái của nhà báo lại viết khác, giật gân để hút cộng đồng. Đây cũng là điều đáng lo ngại.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng nhấn mạnh về việc đừng mải nghĩ tới công nghệ mà quên đi nền tảng.

Theo bà, nhiều người cứ nghĩ khi áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trước là thắng nhưng thực tế không phải vậy. Vấn đề là cơ quan báo chí đưa ra nội dung gì, hình thức tiếp cận thế nào, vấn đề gì nên nói… để định hướng, giáo dục công chúng giúp họ tiếp cận thích hợp. Bởi lẽ, công nghệ phải phục vụ con người, và những người là báo cần cân nhắc để sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả.

Bởi, chỉ có vậy, nền báo chí Việt Nam mới phát triển bền vững và mang lại những giá trị thiết thực, hữu ích cho xã hội./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết