Tiếng Việt | English

26/07/2017 - 02:20

Làm chủ những “mắt thần” canh biển

Trung đoàn Ra-đa 251, Vùng 2 Hải quân là đơn vị đóng quân độc lập có nhiều tổ, trạm hoạt động phân tán, nhỏ, lẻ. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn phải đối mặt với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, kho, trạm chủ yếu tận dụng doanh trại cũ. Nhưng từ khi đơn vị được biên chế trang bị khí tài mới, CBCS vượt khó vươn lên huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đến nay làm chủ hoàn toàn các loại trang bị khí tài mới được biên chế.

Vượt khó làm chủ

Trong hành trình đến với các trạm thuộc trung đoàn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó chính là sự khang trang, ngăn nắp và tinh thần nhiệt tình với công việc của mỗi CBCS. Được biết, những ngày đầu đơn vị nhận phương tiện, khí tài để biên chế về các trạm là cả hành trình gian nan, vất vả đối với mỗi CBCS. Bởi vì, theo biên chế, mỗi trạm phải nhận một hệ thống máy móc, thiết bị có tổng trọng lượng lên đến gần 3 tấn rồi tiến hành lắp ráp, trong đó có loại nguyên khối đến cả 1 tấn. Trong khi đó, hầu hết các trạm đều đóng quân trên các đảo ngoài biển và ở trên các điểm cao. Mỗi khối máy được vận chuyển từ đất liền ra đảo rồi chuyển lên chân núi, từ chân núi chuyển lên đỉnh núi mới tiến hành lắp ráp.

Bảo quản Ra-đa Score 3000 trên Trạm Ra-đa 590 Côn Đảo

Đại úy Trần Xuân Bách - Trạm trưởng Trạm Ra-đa 590, chia sẻ: Là trạm đóng quân ở huyện Côn Đảo nên việc vận chuyển hệ thống máy lên lắp ráp gặp rất nhiều khó khăn. Vì ở đây cách đất liền khoảng 100 hải lý, trạm lại đứng chân trên đỉnh núi Thánh Giá với độ cao gần 600m nên việc vận chuyển trang bị, khí tài lên trạm rất mất thời gian. Hầu hết các khối máy được di chuyển bằng đường ray để dịch chuyển từng đoạn lên đỉnh núi. Tất cả được thực hiện bằng sức người nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, được sự tư vấn của cấp trên và quyết tâm của CBCS, trạm cũng lắp máy hoàn tất bảo đảm an toàn tuyệt đối và bước vào huấn luyện khai thác, sử dụng máy được ngay.

Khi được tận mắt nhìn những khối máy, cột ăng-ten đồ sộ, chúng tôi thật khâm phục sức người của mỗi CBCS ở các trạm. Sức người chiến thắng để làm chủ chúng một cách thuyết phục, để rồi những “mắt thần” được đặt ở đúng những nơi “đắc địa”, đủ tầm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Khai thác chuyên sâu

Nhằm khai thác hiệu quả và chuyên sâu các khí tài ra-đa công nghệ hiện đại, thế hệ mới, trung đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và nhân viên vận hành. Nội dung huấn luyện đi sâu vào việc sử dụng, khai thác, vận hành khí tài ra-đa, nhất là Ra-đa Score 3000, Raythyon NSC34, máy thông tin HF6000. Tập trung thực hiện đột phá vào huấn luyện làm chủ, với phương châm người biết nhiều dạy người biết ít; người giỏi vị trí này rồi thì chuyển qua học ở vị trí khác; ai không hiểu thì hỏi, ai không giỏi thì phải học và phải học ngoại ngữ để làm cơ sở nghiên cứu tài liệu, khai thác phương tiện cho quá trình huấn luyện.

Huấn luyện làm chủ Ra-đa Score 3000 tại Trung tâm điều khiển ra-đaThượng tá Đoàn Đình Nghĩa - Trung đoàn trưởng, cho biết: Trong quá trình huấn luyện, trung đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm túc kế hoạch thời gian, nội dung, chương trình, kiên quyết xử lý các hiện tượng đối phó, cắt xén nội dung hoặc dồn ép, rút ngắn thời gian huấn luyện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng xây dựng ý thức tự giác trong nghiên cứu, học tập để vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị cho CBCS. Xem trọng cả huấn luyện ban ngày và ban đêm, chỉ đạo các trạm ra-đa khắc phục kịp thời những biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thực hiện không nghiêm túc kế hoạch huấn luyện. Trung đoàn gửi cán bộ đi học ngoại ngữ và chuyên môn, nghiệp vụ tại các học viện, nhà trường trong quân đội; cử một số sĩ quan trẻ, nhân viên vận hành ra-đa đến các đơn vị bạn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn ra-đa cảnh giới biển tầm trung do cấp trên tổ chức. Đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhân viên vận hành có thể tự khai thác và vận hành thuần thục hệ thống ra-đa mà đơn vị mới được biên chế.

Đến từng vị trí trên đài trạm, được tận mắt thấy những đôi tay, ánh mắt của CBCS thao tác điều khiển tại các phòng máy mới thấy hết sự khổ luyện của họ. Mỗi cán bộ không chỉ giỏi vị trí của mình mà còn phải biết và thành thạo các vị trí khác. Thượng úy Lễ Văn Chiến - Chính trị viên Trạm Ra-đa 585, chia sẻ: Mặc dù là cán bộ chính trị nhưng khi trạm nhận khí tài mới về, bản thân tôi cũng phải tự mình nghiên cứu rồi cùng các đồng chí cán bộ ngành tự học tập để nắm được cách thức khai thác, sử dụng máy móc được nhanh nhất. Đến nay, cơ bản tôi thành thạo được quy trình khai thác, sử dụng máy và sẵn sàng thay thế từ 2-3 vị trí ở trạm.

Nhờ chủ động, sáng tạo trong huấn luyện làm chủ mà qua gần 5 năm hoạt động, các trạm ra-đa bờ và các đài ra-đa DK1 đạt 99,8%, bảo đảm cho hệ thống ra-đa hoạt động tăng cường 24/24 giờ, phát hiện hơn 200.000 mục tiêu các loại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển phía Nam của Tổ quốc./.

Phạm Quang Tiến 

Chia sẻ bài viết