Tiếng Việt | English

04/02/2019 - 02:35

Làm dâu ngày tết

Tết là dịp để các nàng dâu thể hiện sự đảm đang, khéo léo của mình với gia đình và họ hàng. Tưởng chừng rất vất vả, nhưng nhiều người xem chuyện làm dâu ngày tết không khó, bởi đây là công việc thường niên.

Mẹ chồng là thợ nấu ăn nên từ khi về làm dâu đến nay, chị Cao Thị Tuyết Hà (ấp 3, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An) cũng dần trở nên đảm đang việc nội trợ và nấu được nhiều món ăn ngon. Như thông lệ, đến ngày 29 tháng Chạp là mọi thứ trong nhà đều được chị dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị đón tết. 

Chị Cao Thị Tuyết Hà xem chuyện làm dâu những ngày tết là việc không khó

Tết đến, xuân về là dịp để mọi người đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, cùng nhau ôn lại những chuyện vui, buồn trong năm cũ và hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Với gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, bà Nguyễn Thị Để (ấp 3, xã Hướng Thọ Phú), bữa cơm sum họp ngày cuối năm là truyền thống tốt đẹp được duy trì từ nhiều năm qua. Do đó, là con dâu út trong gia đình, năm nào các món ăn quen thuộc như thịt kho tàu, khổ qua hầm, nem chua, lạp xưởng, chả lụa, dưa cải, dưa kiệu,... đều được chị Hà chuẩn bị cho bữa cơm chiều cuối năm. Chị Hà cho biết: “Những ngày tết, nhà cứ có nhiều khách. Do được chuẩn bị đầy đủ thực phẩm nên tôi chỉ việc mang bánh, mứt và nấu nước pha trà, rồi mời khách dùng bữa cơm tết với gia đình”. Cũng như chị Hà, tết là dịp để chị Lê Thị Thùy Trang (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) thể hiện sự khéo léo của mình. Năm nào cũng thế, từ việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đến đi chợ mua sắm thực phẩm và lên thực đơn cho những ngày tết đều được chị Trang chuẩn bị đầy đủ. Riêng bánh, mứt, gia đình chị tự làm, vì vừa ngon, vừa an toàn. 

Mâm cơm chiều cuối năm thì được chị chuẩn bị thịnh soạn hơn. Chị Trang chia sẻ: “Chiều 30 tết, khi các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ cũng là lúc mâm cơm cúng tổ tiên được đặt trang trọng trên bàn thờ. Con cháu cùng thắp nén hương để rước ông bà về ăn tết và mời ông Công, ông Táo trở về tiếp tục cai quản việc bếp núc”.

Tết là dịp để chị Lê Thị Thùy Trang thể hiện sự đảm đang, khéo léo của mình

Tết là dịp để chị Lê Thị Thùy Trang thể hiện sự đảm đang, khéo léo của mình

Đi chúc tết họ hàng, mừng tuổi là tập tục của người Việt từ xưa đến nay. “Việc mừng tuổi đầu năm là hành động thể hiện tình cảm, tỏ lòng kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, đến sáng mùng 2, vợ chồng và con gái tôi cùng nhau đến thăm, chúc tết ông bà, cha mẹ”. 

Chiều mùng 2, cả nhà cùng nhau gói bánh tét cho kịp cúng tết nhà ngày mùng 3. Không biết tự bao giờ, bánh tét đã trở thành món ăn truyền thống và việc gói bánh tét cũng trở thành một trong những phong tục ngày tết không thể thiếu của mỗi người dân Nam bộ. Chị Trang cho biết: “Năm nào mẹ tôi cũng gói thật nhiều bánh tét, trước cúng ông bà, sau biếu bà con hàng xóm. Tết ở quê tuy có hơi cực một tí nhưng rất vui, bà con lối xóm gần gũi nhau hơn”.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, các nàng dâu lại tất bật sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa và lên kế hoạch chuẩn bị đón một cái tết thật trọn vẹn cùng gia đình. Chuyện làm dâu ngày tết tưởng chừng rất vất vả nhưng nếu các nàng dâu biết chuẩn bị kỹ càng, chu đáo thì chắc chắn sẽ có cái tết đầm ấm, đầy ắp niềm vui./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích