Tiếng Việt | English

27/01/2020 - 18:36

Làm đẹp cho đời

Gần 10 năm trước, trải qua một tai nạn khủng khiếp khiến anh gần như sụp đổ. Với sự giúp đỡ của nhiều người và nghị lực của chính mình, Trần Văn Đến bây giờ là Trưởng nhóm Chung một tấm lòng, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Tai nạn khủng khiếp

Ngồi cạnh chúng tôi là Trần Văn Đến (ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) với khuôn mặt sáng, giọng nói tự tin và tinh thần lạc quan. Gần 10 năm trước, một tai nạn khủng khiếp xảy ra với anh, có lúc anh gần như mất hết hy vọng sống. Anh kể: “10 năm trước, tôi là chàng trai vạm vỡ, làm nghề thợ hồ và có mức thu nhập khá ổn định. Một buổi chiều, sau khi hết việc tại công trình, trên đường về nhà, một người quen nhờ tôi sửa chữa mái nhà bị nước mưa ứ đọng gây thấm tường, dột nước. Trong lúc sửa chữa, tôi nhờ một người phụ lấy cây để sửa nhưng người này lại đưa một thanh sắt dài. Chẳng may thanh sắt bị nhiễm nguồn điện cao thế gần đó khiến tôi bị điện giật. Tai nạn khiến tôi bị co rút người, nhất là 2 tay và chân”.

Trần Văn Đến tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Khi ở bệnh viện, bác sĩ cho biết, do nguồn điện mạnh nên 2 cánh tay của anh Đến bị co rút, hoại tử, không thể giữ được. Một tháng sau, chân trái của anh cũng bị cắt bỏ do hoại tử. Lúc này, trước mắt anh, tương lai dần mất hết vì trở nên tàn phế, phải nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ, chị gái. Nằm viện, chi phí tiền thuốc để cứu sống anh khiến gia đình kiệt quệ. Những lần tái khám, tiếp tục điều trị khiến gia đình không thể kham nổi. May mắn thay, hoàn cảnh của anh được phát sóng trên Chương trình Vượt qua hiểm nghèo của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Từ chương trình này, anh được nhiều người thương cảm, hỗ trợ tiền. Nhờ số tiền này, anh tiếp tục đến bệnh viện để điều trị.

Anh Đến kể thêm: “Sau khi xuất viện là khoảng thời gian khá “đen tối”, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ ba mẹ, chị gái hỗ trợ. Xuất viện khoảng 3 tháng, vết thương lành, tôi đến bệnh viện làm chân giả, 2 tay giả để có thể tự lo cho bản thân. Tôi tập đi, tự ăn cơm, vệ sinh cá nhân”. 

Tấm lòng thiện nguyện

Sau thời gian điều trị vết thương tại bệnh viện và tự đi lại được, anh tham gia học nghề ở một trường khuyết tật tại TP.HCM. Vì nhiều lý do, Đến không thể học hết và theo nghề đã học. Tuy nhiên, lâu lâu, anh cùng nhóm bạn (cùng trường trong thời gian học) trở về thăm trường, thăm bạn. Lúc trở về trường, anh suy nghĩ muốn tạo niềm vui cho bạn bè, những người đang học bằng cách tổ chức một bữa nấu ăn tập thể cùng nhau. Tuy nhiên, lúc đó, anh và nhóm bạn không ai có tiền để thực hiện. Anh mạnh dạn lên Facebook chia sẻ về mình, về bạn và nêu ý định muốn nhận được sự giúp đỡ của mọi người về kinh phí để tổ chức bữa tiệc. Không ngờ rằng, khi đọc những dòng chia sẻ, anh và nhóm bạn nhận được sự hỗ trợ của nhiều người với số tiền hơn 8 triệu đồng. 
Lần thứ hai, anh ngỏ lời trên Facebook để quyên góp tiền cho một người thân của bạn cùng trường khuyết tật bị bệnh hiểm nghèo nhưng hoàn cảnh khó khăn. Lần này, anh nhận được hơn 26 triệu đồng từ mạnh thường quân và trao tận tay người bệnh. Anh nói: “Chắc là tôi có duyên với việc vận động và lần nào cũng thành công. Cũng từ đó, nhóm Chung một tấm lòng ra đời và tôi được tín nhiệm nên làm trưởng nhóm từ năm 2017 cho đến nay”. 

Trần Văn Đến (thứ 3, phải qua, hàng dưới) và nhóm Chung một tấm lòng

Nhóm Chung một tấm lòng hiện có 25 thành viên chính thức, mọi người làm nhiều ngành, nghề khác nhau như công nhân, buôn bán nhỏ, thợ hồ,... ở huyện Tân Trụ và nhiều địa phương khác. Các thành viên đều có chung một suy nghĩ là tích cực quyên góp kinh phí để tặng quà, hỗ trợ xây nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân mỗi năm, nhóm tặng khoảng 1.000 phần quà cho người nghèo. Riêng năm 2019, nhóm vận động và xây tặng 7 căn nhà tình thương, phát quà và 35 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ mai táng và tiền cho người bệnh. Tết Canh Tý 2020, nhóm chuẩn bị trên 300 phần quà tặng người nghèo. Tất cả kinh phí làm việc thiện, anh và nhóm bạn đều tích cực vận động trên trang Facebook cá nhân và nhận được sự sẻ chia của nhiều người. Số tiền vận động được đều công khai, rõ ràng. 

Giải thích vì sao chọn con đường thiện nguyện, anh Đến chia sẻ: “Nhiều người nói, mạng xã hội ảo nhưng thật sự đã mang lại cho em một cuộc sống khác đi, yêu đời và thấy mình sống có ích vì được giúp đỡ người khác. Cuộc sống tự ti, mặc cảm về số phận, về hình dáng đã lui dần trong tâm trí. Mỗi chuyến đi phát quà là một kỷ niệm đáng nhớ, người khác quý trọng điều mình làm và em có thêm bạn mới cùng tâm nguyện làm việc thiện”.

Cơ thể sau tai nạn trở nên ốm yếu, đi lại khó khăn, phải nhờ người khác chở, trong mắt gia đình, anh trở nên nhỏ bé. Vì thế, đến với công tác thiện nguyện, anh hoàn toàn giấu ba mẹ. Nhưng không thể giấu gia đình mãi được vì những người trong xóm đã biết đến. Khi biết, gia đình lại ủng hộ hết mình. Mẹ Đến - bà Huỳnh Thị Biên chia sẻ: “Khi tai nạn ập đến, gia đình rất đau xót. Giờ đây, Đến khỏe mạnh, có tinh thần hướng thiện là khá tốt. Bởi trước đây, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, Đến không được như hôm nay”. Còn anh Đến nghĩ, làm việc thiện không phải chờ đến khi có nhiều tiền mới tham gia, chỉ cần có lòng thiện, cảm thông với những mảnh đời khốn khó thì sẽ làm được để góp phần làm đẹp cho đời./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích