Tiếng Việt | English

16/11/2015 - 19:33

Lạm dụng kháng sinh đến khi bệnh nặng hết thuốc chữa

PGS-TS Lương Ngọc Khuê: “Nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh”.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế và WHO phối hợp tổ chức Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc trên khắp đất nước bắt đầu từ ngày 16 đến 22/11/2015.

Chia sẻ với báo chí tại cuộc gặp mặt sáng 16/11, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nói: “Kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng, kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai”.

Hãy sử dụng kháng sinh một cách an toàn và theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế.

Người dân sử dụng kháng sinh rất bừa bãi

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay người dân sử dụng kháng sinh rất dễ dãi, cứ bị bệnh là ra hiệu thuốc mua chứ không cần sự kê đơn của các bác sĩ. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài đến khi bị bệnh nặng sẽ hết thuốc chữa.

Các chuyên gia y tế khuyên, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn. Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy - hải sản theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các nguồn kháng khuẩn mới. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc chữa nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp”.

Theo thống kê và nghiên cứu đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, việc sử dụng thuốc trong các bệnh viện trung bình khoảng 48% tiền thuốc so với chi phí khám bệnh và tỷ lệ kháng sinh chiếm 33%. Như vậy, nếu tính trong tiền thuốc trong chi phí khám trong cơ sở khám bệnh, tỷ lệ kháng sinh chiếm 17%.

Kháng thuốc kháng vi sinh vật là gì?

Kháng thuốc kháng vi sinh vật là khả năng kháng lại của một vi sinh vật đối với một loại thuốc kháng vi sinh vật mà loại thuốc này ban đầu có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật đó gây ra. Các vi sinh vật kháng thuốc (như vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng) có thể chịu được được sự tấn công của các loại thuốc kháng vi sinh vật như thuốc kháng khuẩn, thuốc chống nấm, thuốc chống virus, thuốc chống sốt rét khiến cho phác đồ điều trị tiêu chuẩn trở nên vô hiệu và tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật sang người khác.

Việc sử dụng và làm dụng thuốc kháng vi sinh vật làm tăng sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc. Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn kém, điều kiện vệ sinh thiếu thốn và việc xử lý thức ăn không hợp lý khiến cho tình trạng kháng thuốc vi sinh vật tiếp tục lan rộng.

Kháng kháng sinh là do các nguyên nhân sau:

Sử dụng quá mức và lạm dụng thuốc kháng sinh ở người và động vật;

Thuốc kháng sinh kém chất lượng;

Tình trạng kháng thuốc lan rộng trong các cơ sở y tế và trong cộng đồng;

Thiếu vệ sinh.

Cần làm gì để nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh?

Chiến dịch năm nay với một chủ đề toàn cầu “Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận” – kêu gọi các các nhân và chuyên gia chăm sóc y tế hãy hành động để đảm bảo rằng, các thế hệ tương lai tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn có khả năng gây tử vong.

WHO vận động mọi cá nhân sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm bằng cách luôn luôn sử dụng hết liều thuốc kháng sinh đã được kê đơn, và kiềm chế không chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh thừa, hay mua thuốc kháng sinh mà không có kê đơn của bác sĩ. Đặc biệt, WHO vận động các chuyên gia chăm sóc y tế và nhà cung cấp dịch vụ y tế chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh, đảm bảo rằng thuốc kháng sinh chỉ được cấp phát khi thực sự cần thiết.

Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết: “Tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật đe dọa đến năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh, tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật có tính đa chiều và gây nguy hiểm cho sự sống còn của con người và nền kinh tế”.

Nhân Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc WHO kêu gọi các nước, trong đó có Việt Nam với khẩu hiệu: “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”./.

Thu Thủy/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích