Tiếng Việt | English

01/03/2017 - 08:11

Làm gì với hài nhảm?

Những ngày qua, dư luận chưa hết nóng với tiếng cười dễ dãi của Trấn Thành dành cho “hot boy trà sữa” trong chương trình Thách thức danh hài thì lại bức xúc hơn với lối diễn hài thô tục của Việt Hương, Hoài Tâm tại tiệc cưới của ca sĩ Đình Bảo. Có thể nói, đây chỉ là giọt nước tràn ly, bởi nhiều chương trình hài trong thời gian qua bị phê phán rất nhiều nhưng vẫn phát sóng. Vậy chúng ta cần làm gì với hài nhảm?

“Hot boy trà sữa” Lê Tấn Lợi trở thành quán quân Thách thức danh hài mùa 3 nhưng sau đêm Gala là bao chỉ trích dành cho giám khảo Trấn Thành bởi khán giả cho rằng, anh ta đã quá dễ dãi đối với phần trình diễn của thí sinh. Không chỉ những người lớn tuổi, đông đảo khán giả trẻ cũng cùng chung nhận xét trên. Có bạn trẻ bày tỏ trên facebook: Không hiểu vì sao Trấn Thành cười khi Tấn Lợi gọi vợ chưa cưới là “mập đ...” để anh ta ôm trọn 150 triệu đồng? Nói tục mà vẫn được thưởng, hài gì dễ dãi thế? Nói đến đây, chúng ta lại nhớ NSƯT Hữu Châu từng bức xúc: “Khi xem các gameshow về diễn xuất, tôi thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình”.

Ngày càng có nhiều chương trình hài phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, cũng không ít chương trình hài ngày càng nhảm, nghệ sĩ không ngại với lối diễn thô tục, õng ẹo giả gái, đem đời tư lên sân khấu,... tự làm xấu xí hình ảnh của mình trong mắt người xem. Những nghệ sĩ xem sân khấu (dù lớn hay nhỏ, tráng lệ hay tồi tàn) là thánh đường, nơi để sống chết với nghề sẽ không cho phép mình có sự dễ dãi. Vì lẽ đó mà không ít nghệ sĩ mạnh dạn từ chối những lời mời tham gia các chương trình không phù hợp.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí gần đây, nói về điều quan trọng với người nghệ sĩ, NSND Kim Cương cho rằng: “Soạn giả Năm Châu từng nói, nghề mình không phải là nghề kiếm tiền mà là những kỹ sư tâm hồn, ảnh hưởng tới cuộc sống của giới trẻ. Tôi rất buồn khi thấy những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa, nhất là khi chiếu trên truyền hình. Diễn trên khấu chỉ có vài trăm người biết nhưng chiếu trên truyền hình thì cả triệu người xem, vì vậy ảnh hưởng rất lớn”.

Thái độ không hài lòng của danh ca Hương Lan khi Việt Hương, Hoài Tâm diễn hài thô tục cũng như nhiều nghệ sĩ khác tự tách mình ra khỏi những chương trình mà số đông cho là “nhảm” là điều đáng hoan nghênh. Đây là những nghệ sĩ không cho phép mình dễ dãi với nghề, luôn tôn trọng khán giả, cần được trân trọng. Đây cũng là những tấm gương sáng trong nghề để các nghệ sĩ khác, nhất là những nghệ sĩ trẻ, soi rọi, trưởng thành hơn với nghề, được công chúng đón nhận lâu dài.

Riêng đối với chúng ta, những khán giả cùng khóc, cười với các chương trình, vở diễn của nghệ sĩ cũng không được cho phép mình có sự dễ dãi trong thưởng thức. Chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng đối với những chương trình, lối diễn hài không phù hợp của nghệ sĩ, bởi yêu cầu về tính thẩm mỹ, tính giáo dục cần đặt ra với mỗi chương trình. Các nhà đài cũng cần xem lại các gameshow của mình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý.

Làm gì với hài nhảm? Từ nghệ sĩ đến người xem, cơ quan quản lý cần nghiêm túc, không cho phép mình có sự dễ dãi./.

Khánh Tâm

Chia sẻ bài viết