Tiếng Việt | English

09/10/2017 - 20:30

Làm giàu từ đa canh trên rốn lũ

Cuối mùa nước nổi, chúng tôi có dịp về xã vùng sâu Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tìm hiểu mô hình đa canh khá thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay trên rốn lũ Đồng Tháp Mười.

Học thích ứng biến đổi khí hậu

Cuối tháng 9/2017, nơi đây, lũ nhích từng phân nước mỗi ngày, Sống giữa rốn lũ, làm giàu chỉ là hoài bão của người nông dân chỉ biết độc canh cây lúa. Bởi ngoài 2 vụ lúa mỗi năm, lũ về, nông dân chỉ biết đánh bắt cá, săn chuột đồng mưu sinh. Thế nhưng, vợ chồng anh Trần Hoàng Em, ngụ ấp 3, xã Bình Phong Thạnh lại đang làm giàu không chỉ từ nuôi cá nước ngọt, trồng sen, trồng dừa, trồng lúa mà còn biết khai thác lợi thế đa dạng cây trồng, kết hợp nuôi thủy sản đón khách du lịch “miệt vườn”.

Ngồi trên xuồng đi một vòng quanh khu vực sản xuất diện tích 7ha, Trần Hoàng Em giới thiệu mô hình đa canh trên rốn lũ của vợ chồng anh. Câu chuyện bắt đầu từ nghề trồng khoai mỡ cách đây 25 năm: “Hồi ấy, đất chúng em sản xuất thuộc hạng 4, giống như “cái túi” đựng phèn. Lũ rút, cha mẹ em hè nhau lên liếp trồng khoai mỡ.

Thu khoai mỡ xong, cấy thêm vụ lúa. Không trồng khoai mỡ, chuyển sang trồng tràm. Quẩn quanh khoai - lúa - tràm vẫn không khá nổi”. Khi được cha mẹ giao quyền sử dụng toàn bộ 7ha đất, vợ chồng Em dự các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức kết hợp tham quan nhiều mô hình làm giàu trên vùng lũ ở Đồng Tháp Mười. Không dừng ở học lý thuyết, tham quan mô hình, vợ Em lên Internet tự tìm hiểu kỹ thuật canh tác ở những vùng luôn ngập lũ để “sống chung với lũ”, biến đất phèn thành nguồn lợi kinh tế cao. Nhờ tìm hiểu từ nhiều kênh khác nhau cộng với ý chí cần cù, chịu khó, vợ chồng Em “thuận thảo” đầu tư xây dựng mô hình sản xuất đa canh khép kín trên toàn bộ diện tích vốn trước kia chỉ quanh quẩn lúa - tràm.

Biến nghề nông thành điểm du lịch sinh thái

Năm 2013, vợ chồng Em bắt tay khởi nghiệp chuyển đổi mô hình lúa - tràm sang đa canh. Việc đầu tiên là đầu tư 400 triệu đồng vốn vào việc cải tạo lại toàn bộ diện tích sản xuất. Chủ nhà thuê kobe múc đất đắp bờ bao quanh diện tích 6ha vừa làm đường giao thông kết hợp làm đê bao ngăn lũ. Quanh bờ bao, vợ chồng Em xuống giống 1.000 cây dừa giá 50.000 đồng/cây.

Trong thời gian dừa còn nhỏ, vợ chồng Em trồng xen chuối, mãng cầu, đu đủ. Dưới mặt nước, ngoài duy trì mỗi năm một vụ lúa, ở những khu vực trũng múc đất đất đắp bờ bao diện tích khoảng 1,5ha vợ chồng Em thả sen kết hợp nuôi các loại cá đồng như cá rô, cá lóc, cá sặt bổi. Diện tích 1ha còn lại do mỗi lần lũ về nước ngập, Em chia thành hai “phân khu”. Một “phân khu” đón cá tự nhiên, “phân khu” còn lại lên bờ bao vững chắc thả các loại cá đặc sản như cá dứa, cá vồ đém, tai tượng mua giống từ An Giang. Thông tin với chúng tôi về hiệu quả từ mô hình đa canh trên rốn lũ, vợ Em cho biết: “Chỉ tính riêng diện tích 1,5ha sen thu 2 vụ/năm, mỗi tuần bán được 2 triệu đồng gương sen. Dưới mặt nước trồng sen, tháng nước lũ rút, các loại cá rô, lóc đồng, sặt bổi rút xuống, cho thu nhập không thua gì sen! Chưa kể mỗi năm thu gần 40 tấn lúa hàng hóa...”.

Đối với 1.000 cây dừa trồng quanh bờ bao, hiện có 600 cây đang ra trái. Theo tính toán, sau 4 năm trồng, trung bình mỗi cây cho 20 trái/năm, trở thành nguồn thu gấp ba lần so với 40 tấn lúa. Tiếng lành đồn xa, nhờ bờ bao vững chắc lại có bóng mát của hàng dừa xinh đẹp, vào ngày lễ, ngày tết, chủ nhật hàng tuần, du khách từ TP.Tân An, TP.HCM, Tiền Giang,... tìm đến địa chỉ trang trại của vợ chồng Em trải nghiệm câu cá trên ao sen, ruộng lúa,…

Có ngày, lượng khách khoảng 20 người. Du khách trả 70.000 đồng/kg cá nếu muốn đưa về làm thực phẩm gia đình. Ai muốn ăn cá lóc đồng nướng trui bằng rơm rạ, nhậu rượu đế, chấm mắm chua trộn đu đủ - ẩm thực người vùng lũ do vợ Em “trổ tài”. Không giấu hiệu quả chuyển đổi mô hình sản xuất đa canh thích ứng với biến đổi khí hậu nơi rốn lũ Đồng Tháp Mười, vợ Trần Hoàng Em nói: “Năm 2017, với mô hình này, chắc chắn doanh thu của vợ chồng em sẽ tăng thêm 50 triệu đồng so với trồng lúa - tràm”./.

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết