Tiếng Việt | English

24/06/2018 - 10:35

Làm việc nhóm để mang tác phẩm tốt nhất đến với công chúng

Phóng viên phát thanh, truyền hình (PT-TH) thường làm việc theo ê kíp, vì vậy, mỗi người đều dẹp bỏ “cái tôi”, hòa mình vào “cái chung” để mang đến cho công chúng tác phẩm báo chí tốt nhất...

Dẹp bỏ “cái tôi” 

Tại Liên hoan PT toàn quốc lần thứ 8 diễn ra ở tỉnh Nghệ An, Đài PT-TH Long An tham gia 4 tác phẩm. Trong đó, có tác phẩm chủ đề Gặp gỡ và chia sẻ: Làm gì để vực dậy một tiềm năng?, thể loại trực tiếp với thời lượng phát sóng 30 phút, đoạt Huy chương Đồng. Tác phẩm giới thiệu về Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười của tỉnh. 

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tác nghiệp tại vùng trồng rau ở Cần Đước

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tác nghiệp tại vùng trồng rau ở Cần Đước

Nhà báo Kim Anh, Phòng Phát thanh, Đài PT-TH Long An, tác giả kịch bản, chia sẻ: “Thể loại PT trực tiếp với nhiều điểm cầu, ê kíp làm chương trình có nhiều thành phần tham gia: Đạo diễn, MC, kỹ thuật và nhiều bộ phận khác hỗ trợ. Kịch bản chỉ quyết định 50% thành công chương trình, 50% còn lại phụ thuộc sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận liên quan, gồm khách mời, MC, sóng truyền âm,...”.

Trước khi lên sóng trực tiếp, cả ê kíp phải thống nhất kịch bản lần cuối, trong đó, từng thành viên lắng nghe góp ý của nhau để hoàn thiện chương trình. Quá trình bàn bạc, tuyệt đối dẹp bỏ “cái tôi” của riêng mình. Nhà báo Kim Anh cho biết thêm, khi chương trình được thực hiện, không nên so sánh ai quan trọng hơn ai, tất cả cùng chung mục đích, chuyển tải câu chuyện đến công chúng tốt nhất. Ngoài ra, MC cũng cần linh hoạt, biết dẫn dắt câu chuyện cùng khách mời sao cho khớp và đúng thời lượng. 

Phối hợp nhịp nhàng

TH là sản phẩm của tập thể, sự phối hợp giữa biên tập, quay phim và bộ phận liên quan. Dù là phóng sự ngắn hay tin thời sự đều phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau mới tạo nên sản phẩm chất lượng, hạn chế sai sót.

Nhà báo Duy Huệ, Phòng Thời sự, Đài PT-TH Long An, chia sẻ: “Để thực hiện 1 chương trình, biên tập thường tìm hiểu kỹ vấn đề trước, sau đó thảo luận với người quay phim về nội dung ghi hình. Tuy nhiên, khi kịch bản thảo sẵn khác với thực tế thì biên tập và người quay phim phải trao đổi lại, cùng đề xuất khi phát hiện vấn đề mới. Các thể loại TH không cần thuyết minh nhiều, hình ảnh mới là quan trọng, thu hút người xem và nói thay lời. Vì vậy, biên tập và người quay phim phối hợp tốt để tìm hình ảnh, chi tiết đắt giá”. 

Ê kíp thực hiện chương trình  phát thanh  trực tiếp  tại Liên hoan  Phát thanh  toàn quốc lần thứ 8 diễn ra ở Nghệ An

Ê kíp thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 8 diễn ra ở Nghệ An

Làm phóng viên TH là phải đi nhiều, tìm hiểu, giao tiếp và hoàn thành tác phẩm đúng thời hạn để phát sóng. Nhà báo Duy Huệ kể: “Năm 2015, giá lúa xuống khá thấp, không ít thương lái bỏ tiền cọc, nông dân thua lỗ. Khi tôi làm phóng sự về vấn đề này, càng đi càng thấm nỗi buồn của nông dân. Tôi và người quay phim phải đi bộ mấy cây số giữa trời nắng gắt để thực hiện phóng sự. Sau đó, chúng tôi có một phóng sự phản ánh trung thực về vấn đề này”. 

Ở các chương trình TH trực tiếp, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội luôn được đặt lên hàng đầu, bởi sai sót của bất cứ bộ phận nào cũng có thể ảnh hưởng xấu đến chương trình và không thể chỉnh sửa lại.

Phóng viên Mỹ Yến, Phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Long An, nói: “Ở chương trình trực tiếp, mọi người đều thể hiện sự tập trung cao độ, trong đó, đạo diễn là “thuyền trưởng”, các thành viên còn lại phải tuân thủ theo sự chỉ huy của “thuyền trưởng”. Khi dẫn trực tiếp tại phim trường, MC đeo 1 chiếc tai nghe nhỏ, kết nối với đạo diễn và biên tập (nếu có). Người quay phim cũng được trang bị tai nghe, micro để trao đổi với đạo diễn. Tất cả hoạt động tại phim trường đều có sự thống nhất cao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sai sót trên sóng”.

Nhà báo Mỹ Yến (thứ hai, phải qua) trong vai trò MC truyền hình  trực tiếp

Nhà báo Mỹ Yến (thứ hai, phải qua) trong vai trò MC truyền hình trực tiếp

Mỹ Yến cho biết thêm, chương trình TH trực tiếp tại phòng thu của đài thường dễ hơn hiện trường hay chương trình cầu TH vào những dịp lễ, tết. Trong trường hợp này, cả ê kíp phải làm tốt việc chuẩn bị: Xe, máy móc, thiết bị và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên: Quay phim; kỹ thuật ánh sáng, hình ảnh, âm thanh,... Ngoài tuân thủ kịch bản, cả ê kíp còn xử lý những tình huống phát sinh khi đạo diễn yêu cầu. 

Nhà báo Duy Huệ bộc bạch: “Người làm báo muốn có tác phẩm báo chí tốt phải đi, phải dấn thân, tìm hiểu những vấn đề mang “hơi thở” của cuộc sống. Bên cạnh những đề tài mình chọn, không ít lần, phóng viên phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công “tức thì”. Không ít đồng nghiệp đã gặp hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ để kịp thời đưa lên sóng những thông tin thời sự. Song, “ngọn lửa nghề” trong mỗi thành viên của ê kíp vẫn luôn rực cháy, háo hức ở từng sự kiện”./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích