Tiếng Việt | English

14/07/2015 - 14:08

Lãng du xanh trên đất chín rồng

Kỳ 1:

Sông Tiền Giang (nhìn từ cầu Rạch Miễu, Bến Tre)

Với diện tích tự nhiên 40.548,2km2, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 12 tỉnh và 1 thành phố (TP) trực thuộc Trung ương mà tỉnh Long An là cửa ngõ đi vào miền đất này, một miền đất do phù sa sông Mêkông bồi đắp qua bao thiên niên kỷ, ngày nay được coi là vựa lúa, vựa trái cây và thủy sản lớn nhất so các vùng miền khác trên cả nước.

Còn nhớ năm 2009 mở Festival ĐBSCL tôn vinh nông dân và các giống lúa thơm trên đất Cửu Long (9 con rồng), Nàng thơm Chợ Đào-đặc sản của huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã chiếm ngôi “nữ hoàng”, kế là các Nàng Hương, Nàng Tri, Nàng Trinh, Nàng Sóc, Nàng Trổ, Nàng Quớt,… mà “nàng” nào cũng đáng mặt “hoa khôi”.

Về thủy sản, khu vực hạ lưu sông Mêkông có hơn 1.200 loài; 60 loài trong đó có giá trị kinh tế cao tập trung vào 2 họ: Cá chép và cá tra với sản lượng hàng năm ước tính 22 triệu tấn. Nhiều loài cá chỉ trên đất này mới có, như cá linh, cá hô, cá bông lau,… Con tôm ở sông và ở ruộng nơi đây cũng có tới 122 loài. Trung bình mỗi năm vùng này đóng góp hơn 40% tổng sản lượng thủy sản nội địa khai thác được trên cả nước. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và sinh thái đa dạng thì hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ngập phèn đặc sắc và các thảm thực vật,… ở khu vực này có tổng diện tích đến 360.996ha.

Thật là một vùng tài nguyên phong phú và đa dạng cho phát triển du lịch xanh (DLX) còn đầy hứa hẹn,… Nhân tuần lễ DLX ĐBSCL 2015 tổ chức tại TP.Cần Thơ vừa qua, xin phát thảo đôi nét về DLX trên vùng đất 9 con rồng.

Kỳ diệu sông Mêkông

Xem bộ phim tư liệu Mêkông ký sự do Đài Truyền hình TP.HCM sản xuất, ta thấy: Từ một miền kỳ bí trên nóc địa cầu tuyết phủ quanh năm ở xứ Tây Tạng, sông khơi nguồn băng qua những dãy núi điệp trùng của Trung Quốc, đổ xuống những khu rừng âm u của Mianma, quăng mình uốn khúc qua các chùa tháp đền đài ở Luang- prapang (Lào) và hòa cùng âm giai “khèn lên man điệu nàng e ấp, nhạc về Viên-chăn xây hồn thơ” (Quang Dũng) trước khi đổ ầm ào xuống thác Khône, vờn qua những mỏm đá ở Krau-chmar in bóng đền đài cung điện xứ Chùa Tháp, rồi tách mình thành 2 chi lưu: Sông Tiền, sông Hậu cùng băng về miền đất Tây Nam của Việt Nam.

Từ 2 sông này nảy ra 9 sông khác, đó là 9 con rồng (Cửu Long) cùng phun nước ra biển Đông, kết thúc cuộc hành trình dài hơn 4.800km của sông Mêkông.

Công tích sông đến đâu trên đất 9 con rồng cũng bồi đắp phù sa màu mỡ (cứ mỗi giây sông đổ vào đất này hơn 6.000m3 nước; mùa mưa khối lượng này nhân đôi hay hơn nữa); mỗi mét khối nước có 0,5kg phù sa và mỗi giây ít nhất có 300kg đất phù sa bồi bổ cho ĐBSCL. Sông còn “đẻ” từng chuỗi cù lao, bãi bồi, doi, cồn đất ở giữa lòng sông.

Sông còn sinh thêm các bán đảo ở 2 bên tả ngạn, hữu ngạn cho người gieo trồng bao nhiêu loài cây ngồn ngộn hương hoa trái. Sông mẹ đẻ sông con và cứ thế lớp này sang lớp khác, làm nên bao nhiêu mạng lưới kênh rạch chằng chịt trên mặt đất 9 rồng, làm đậm nét văn minh sông nước ở miền đất trù phú vào bậc nhất của Tổ quốc ta.

Bút ký của Quang Hảo (còn tiếp)

Chia sẻ bài viết