Tiếng Việt | English

21/01/2020 - 13:59

Làng nghề dệt chiếu Long Cang - Vượt khó để giữ nghề

Làng nghề dệt chiếu Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có từ lâu đời. Tuy trải qua bao thăng trầm nhưng đến nay, nghề dệt chiếu ở Long Cang và các xã lân cận vẫn tồn tại và phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Vợ chồng ông Phạm Văn Năm - bà Trần Thị Hai gắn bó cả đời với nghề dệt chiếu
Vợ chồng ông Phạm Văn Năm - bà Trần Thị Hai gắn bó cả đời với nghề dệt chiếu

Chị Phạm Thị Thanh Phượng - thành viên Tổ hợp tác dệt chiếu Long Cang, chia sẻ, so với trước đây, số hộ theo nghề dệt chiếu Long Cang chỉ còn lại chừng 1/3. Nhiều người cao tuổi vẫn yêu nghề, sống với nghề mặc dù dệt chiếu mang lại thu nhập thấp so với mặt bằng chung hiện nay.

Theo chị Phượng, đa số người dệt chiếu thủ công đều lớn tuổi, một số người khuyết tật; những người còn sống với nghề ở lứa tuổi thanh niên, trung niên thì mua máy dệt chiếu công nghiệp, thuê nhân công làm ra nhiều sản phẩm thì mới có thu nhập cao.

Những người dệt chiếu thủ công chủ yếu sử dụng sức lao động và sự khéo léo như vợ chồng ông Phạm Văn Năm (77 tuổi) và bà Trần Thị Hai (75 tuổi), ngụ ấp 1, là những người có thâm niên hàng chục năm trong nghề. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng một ngày, ông bà cũng dệt được 2 đôi chiếu lải (chiếu đôi, hai người nằm, có màu sắc bắt mắt), bán được 180.000 đồng. Trừ chi phí nguyên vật liệu, vợ chồng ông kiếm được 50.000 đồng/ngày.

Bà Nguyễn Thị Năm cùng người cháu khuyết tật đang dệt chiếu

Bà Nguyễn Thị Năm cùng người cháu khuyết tật đang dệt chiếu

Còn bà Nguyễn Thị Năm (78 tuổi) cùng người cháu là Phạm Thái Hòa (35 tuổi) bị khuyết tật bẩm sinh, một ngày chỉ làm được 1 đôi chiếu đơn (một người nằm), bán hơn 50.000 đồng. Tuy tiền lời không bao nhiêu nhưng bà Năm vẫn lạc quan: “Mỗi ngày, hai bà cháu kiếm được 15.000 đồng tiền công lao động. Dù không nhiều nhưng cũng có việc làm”.
Hiện nay, xã Long Cang còn hơn 100 hộ (chủ yếu là người già) còn dệt chiếu thủ công. Điển hình như vợ chồng ông Tám Cần, mỗi ngày dệt được 5 đôi chiếu; bà Nguyễn Thị Chiều (trên 80 tuổi, nghệ nhân), hộ bà Nguyễn Thị Nhỏ, Lại Thị Giàu đều ở ấp 1, cũng duy trì nghề dệt chiếu.

Muốn dệt 1 đôi chiếu thủ công, người làm nghề phải tốn nhiều thời gian cùng sự khéo léo, tận tụy. Tuy vậy, thu nhập lại rất thấp, chưa kể tiền nguyên liệu. Bà Năm chia sẻ thêm, mặc dù nghề dệt chiếu thủ công khá đơn giản nhưng công việc đòi hỏi ít nhất 2 người làm thì mới trôi chảy. Nếu một người tự làm thì mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành sản phẩm.

Theo bà Năm, hiện nay, giá lác ngắn (dệt chiếu đơn) là 9.000 đồng/kg, lác dài (dệt chiếu đôi) 13.000 đồng/kg. Để mua được nguyên liệu tốt, đòi hỏi người làm chiếu phải có kinh nghiệm lâu năm mới chọn được loại lác phù hợp (lác thu hoạch từ tháng Chạp đến tháng Giêng là tốt nhất). 

Sản phẩm chiếu lải Long Cang vẫn được ưa chuộng trên thị trường

Sản phẩm chiếu lải Long Cang vẫn được ưa chuộng trên thị trường

Chị Phượng chia sẻ thêm, hiện nay, vùng nguyên liệu trồng lác tại huyện Cần Đước ngày càng thu hẹp. Các hộ làm chiếu phải xuống tận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để tìm mua.

Để giúp người dân có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định và giá cao, bà Trần Thị Nguyên đứng ra thành lập Tổ hợp tác thu mua sản phẩm của làng nghề, cung cấp cho mối ở tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai và nhiều nơi khác. Ngoài ra, bà Nguyên còn cho các hộ trong tổ hợp tác vay vốn, hướng dẫn làm mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Em ruột bà Nguyên là ông Trần Văn Tiến, hiện cũng mua 5 máy dệt chiếu, thuê 5 nhân công để dệt theo kiểu công nghiệp.

Ông Tiến chia sẻ: “Một ngày, cơ sở của tôi sản xuất khoảng 100 chiếc chiếu, những lúc cao điểm thì có thể tăng thêm. Sản phẩm chiếu dệt bằng máy rất mịn, đẹp hơn làm bằng tay”. Khách hàng tiêu thụ chiếu của ông Tiến chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, các doanh trại bộ đội và những đoàn khách du lịch.

Dệt chiếu bằng máy cho ra sản phẩm đa dạng hơn so với thủ công

Dệt chiếu bằng máy cho ra sản phẩm đa dạng hơn so với thủ công

Hiện nay, nghề dệt chiếu còn rải rác ở các xã: Long Cang, Long Định, Long Sơn và Phước Vân của huyện Cần Đước, vùng nguyên liệu để dệt chiếu cũng bị thu hẹp đáng kể do phát triển khu, cụm công nghiệp. Sản phẩm chiếu Long Cang phải cạnh tranh khá gay gắt với chiếu nhựa, chiếu Cà Mau và sản phẩm cùng loại từ nhiều nơi khác. Mặt khác, do tâm lý thích nằm nệm của nhiều người nên chiếu cũng không còn phổ biến như xưa.

Để phát triển, nghề truyền thống dệt chiếu lác ở xã Long Cang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ về vốn cho các hộ có khả năng để đầu tư máy móc. Ngoài ra, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu chiếu Long Cang, khuyến khích nghệ nhân làm ra sản phẩm chiếu mang tính nghệ thuật để thu hút khách hàng./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết