Tiếng Việt | English

05/03/2018 - 19:59

Làng nghề truyền thống đan cần xé tại Đức Hòa

Những đôi tay khéo léo, thoăn thoắt tạo nên những sản phẩm thủ công đẹp, chất lượng là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều hộ gia đình tại làng nghề truyền thống đan cần xé thuộc ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Không biết nghề đan cần xé có từ bao giờ, chỉ biết rằng, nghề này vẫn duy trì từ thế hệ sang thế hệ khác

Không biết nghề đan cần xé có từ bao giờ, chỉ biết rằng, nghề này vẫn duy trì từ thế hệ sang thế hệ khác

Đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1 được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2013. Hiện nay, toàn ấp có 4 tổ với gần 50 hộ duy trì công việc này. Chị Trần Thị Bích nói: “Để hoàn thành một chiếc cần xé đẹp mắt phải trải qua nhiều công đoạn. Đó là cưa nan, vót nan, đánh nan 2, nan 4, xuống miệng, đẻo quai, đóng hông,... Trong đó, khâu gầy mê và lên mê rất quan trọng, phải làm chặt tay để định hình cần xé”.

Nếu thạo nghề, mỗi người có thể đan từ 12-17 cần xé lớn hoặc 20-22 cần xé nhỏ/ngày. Những chiếc cần xé này được đem đi bán ở nhiều nơi và hiện nay, một số sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài. Mỗi chiếc cần xé có giá từ 10.000-60.000 đồng tùy kích cỡ. Các hộ đan cần xé tại ấp Hòa Hiệp 1 đều có nơi tiêu thụ riêng, ngoài thương lái đến tận nơi thu mua, mỗi năm, các tổ còn có hợp đồng bán cần xé cho một số công ty tại huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và tỉnh Bình Dương.

Chị Nguyễn Thúy Hòa có kinh nghiệm đan cần xé trên 30 năm, chia sẻ: “Đa số người dân ở đây đều biết đan cần xé, chủ yếu làm vào lúc nông nhàn, ít gia đình chọn đan cần xé là nghề chính. Mặc dù vậy, nhiều năm rồi vẫn không bỏ được, nghề cứ tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Nghề đan cần xé khá vất vả vì các khâu đều làm thủ công

Nghề đan cần xé khá vất vả vì các khâu đều làm thủ công

Đan cần xé tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả vì hầu hết công đoạn phải làm thủ công, nguồn nguyên liệu đôi khi khan hiếm, không cung cấp đủ cho các hộ làm nghề. Mặt khác, thu nhập từ nghề đan cần xé không cao nên nhiều người trẻ chọn đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ninh Đông - Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết: “Hiện nay, làng nghề đan cần xé còn khó khăn do chưa có vùng quy hoạch nguyên liệu, người dân phải đến các vùng lân cận để thu mua, chi phí vận chuyển nhiều nên lợi nhuận không cao. Hơn nữa, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hoàng Đồng, làng nghề chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời. Hướng tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân cố gắng “bám” nghề, duy trì làng nghề truyền thống, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người làm nghề an tâm gìn giữ”.

Tình yêu là động lực để giữ nghề nhưng để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, các hộ làm nghề đan cần xé cần có thêm sự hỗ trợ để “sống được” với nghề; từ đó, những sản phẩm truyền thống chất lượng, đẹp mắt sẽ đến tay người tiêu dùng, tạo được thương hiệu hàng thủ công của huyện Đức Hòa nói riêng và tỉnh Long An nói chung./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết