Tiếng Việt | English

11/11/2015 - 09:09

GIÁO DỤC TÂM LÝ TRONG TRƯỜNG HỌC

Lắng nghe và chia sẻ cùng học sinh

Ở độ tuổi dậy thì, học sinh (HS) có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm, sinh lý. Các em rất cần được lắng nghe, chia sẻ và tư vấn từ những người am hiểu tâm lý tuổi học trò, đặc biệt đối với những HS thiếu sự quan tâm của gia đình. Chính vì vậy, công tác giáo dục tâm lý cho HS trong nhà trường rất quan trọng, giúp HS nhận thức đúng hơn và tránh được những hành vi lệch chuẩn.


Học sinh bày tỏ với giáo viên những vấn đề thắc mắc

Phương pháp tư vấn tâm lý học sinh

HS cấp II, cấp III rất cần được tư vấn tâm lý để "giải cứu" kịp thời những tình huống, sự cố gặp phải trong giai đoạn tuổi mới lớn, thế nhưng, đa phần các em lại e ngại trong việc sẻ chia, tâm sự với cha mẹ, thầy cô. Do đó, các thành viên trong tổ tư vấn tại trường học phải tạo sự gần gũi, thân thiện và chủ động tìm đến những HS cần được tư vấn để có hướng giúp các em tháo gỡ khúc mắc.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 trường THPT có phòng tư vấn tâm lý học đường: Trường THPT Chuyên Long An, Trường THPT Cần Đước, Trường THPT Tân Trụ và Trường THCS&THPT Bình Phong Thạnh. Các trường còn lại chỉ có tổ tư vấn học đường.


Học sinh trao đổi, tâm sự với nhau khi gặp những vấn đề khó giải quyết

Các giáo viên (GV) thuộc phòng tư vấn, tổ tư vấn là người am hiểu về tâm lý HS sẽ kiêm nhiệm đảm trách. Riêng Trường THPT Chuyên Long An, phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập từ năm học 2014-2015 đến nay. Phòng có GV chuyên tư vấn tâm lý trực tiếp tư vấn cho HS vào ngày thứ tư hằng tuần. HS có vấn đề thắc mắc có thể đăng ký lịch với phòng để được tư vấn.

Cô Mai Thị Hà Vân - GV tâm lý của Trường THPT Chuyên Long An chia sẻ: “HS tìm đến tư vấn thường là HS khối lớp 11 và 12. Trong đó, khối 11, các em thường gặp phải những vấn đề như mâu thuẫn trong tình bạn, những rung động đầu đời hay các tình huống gặp phải trong cuộc sống. Riêng khối 12, các em thường hỏi về định hướng nghề nghiệp, mâu thuẫn trong sự lựa chọn nghề nghiệp giữa ước mơ của bản thân và mong muốn của gia đình. Với những trường hợp trên, tôi thường lắng nghe ý kiến của các em, phân tích vấn đề và đưa ra các giải pháp giúp các em chọn lựa. Tuy nhiên, để HS mạnh dạn chia sẻ, ngoài gần gũi, GV tâm lý cần phải thực sự chân thành với các em, với từng câu chuyện của các em mang đến”.


Giáo viên tư vấn cho học sinh tại phòng tư vấn của trường

Hiệu quả của công tác tư vấn

Tuy công tác tư vấn tâm lý học đường chưa phát triển mạnh mẽ nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục HS của các trường. Vì ở lứa tuổi dậy thì, các em thường muốn khẳng định mình và có những biểu hiện cảm xúc thất thường. Một mình, các em khó có thể xử lý tốt các tình huống gặp phải trong cuộc sống. Do đó, cần phải có người am hiểu tâm lý để tư vấn, nói chuyện, giải quyết vấn đề hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Trần Quang Hiệp cho biết: Nhà trường rất chú trọng công tác giáo dục tâm lý cho HS, đặc biệt với những HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thông qua việc chia sẻ, giúp đỡ, các em an tâm học tập và có sự tiến bộ. Ngoài ra, với những HS yếu, kém, thành viên tổ tư vấn thường xuyên động viên, hướng dẫn các em phương pháp học tập hiệu quả.

Có thể nói, công tác giáo dục tâm lý là một phần không thể thiếu trong học đường. Tại đây, các em được tư vấn cách giải quyết những thắc mắc, sự cố hay tình huống hóc búa. Nhờ vậy, HS an tâm học tập, rèn luyện về đạo đức tốt hơn, đặc biệt là có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết