Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 08:46

Làng nghề vào xuân

Tết đến, xuân về cũng là lúc các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chuẩn bị hàng hóa, sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Thời điểm này, các làng nghề làm bánh tráng, mứt và các vườn hoa kiểng cũng hối hả vào xuân, nhộn nhịp hơn thường ngày.

Rộn ràng mùa mứt tết

Cứ mỗi độ tết đến, Cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan (ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) lại “đỏ lửa”, tất bật sản xuất nhằm bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Cơ sở chuyên sản xuất mứt me và mứt gừng truyền thống. Cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, cơ sở này lại rục rịch chuẩn bị làm mứt tết. Và những ngày này, đứng ngoài cổng đã ngửi được hương thơm ngọt ngào của những mẻ mứt mới ra lò.

Bắt đầu vào cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, Cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan lại rục rịch chuẩn bị làm mứt tết

Chị Huỳnh Ngọc Lan cho biết: “Tết năm nay, chúng tôi làm khoảng 8 tấn mứt me, tăng gấp đôi so với năm trước và 2 tấn mứt gừng. Sản phẩm làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách quen trong và ngoài tỉnh. Để có sản phẩm chất lượng, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Mứt gừng và mứt me được chế biến bằng phương pháp thủ công và bí quyết riêng nên hương vị tự nhiên vẫn giữ được trọn vẹn”.

Giá cả các loại mứt của cơ sở Huỳnh Ngọc Lan dù có “nhỉnh” hơn so với thị trường nhưng lượng khách vẫn ngày càng tăng. Hiện mứt gừng được bán với giá 110.000 đồng/kg; mứt me từ 110.000-150.000 đồng/kg (tùy loại). Chị Nguyễn Thị Hà (ấp 5, xã Lạc Tấn) cho biết: “Nhà ở gần cơ sở sản xuất mứt gừng của chị Lan nên tôi thấy quy trình làm mứt sạch sẽ, không dùng hóa chất. Vì vậy, mỗi năm tôi đặt mua từ 20-40kg mứt cho gia đình và người thân”.

Hơn 32 năm làm mứt tết, cơ sở của chị Lan ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng không chỉ vì chất lượng thơm, ngon mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm. Dù sản xuất theo phương thức truyền thống nhưng chị Lan luôn chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tạo uy tín, thương hiệu, không vì chạy theo số lượng làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng. “Chúng tôi đầu tư hệ thống màn giăng để tránh ruồi nhặng khi phơi mứt. Cơ sở có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu và công bố sản phẩm theo quy định” - chị Lan cho biết thêm.

Giữ hương vị bánh truyền thống

Hiện nay, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (phường 5, TP.Tân An) vẫn giữ phương pháp sản xuất thủ công truyền thống. Hơn 50 năm với biết bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn được “giữ lửa” bằng đôi tay của những người thợ cần mẫn. Với họ, nghề này không chỉ để mưu sinh mà còn gìn giữ truyền thống của cha, ông để lại.

Thời điểm này, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa cũng khá nhộn nhịp

Năm 2013, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa được công nhận làng nghề truyền thống. Nơi đây có khoảng 70 hộ dân theo nghề, đa số làm thủ công. Bánh tráng Nhơn Hòa nổi tiếng với độ mềm, dẻo, giữ được hương vị truyền thống. Thời điểm này, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa cũng khá nhộn nhịp. Những người thợ thoăn thoắt đôi tay tráng bánh bên bếp lửa để kịp phơi nắng. Bình quân một ngày, mỗi hộ tráng được 10-14kg bánh. Riêng hộ tráng bánh bằng máy thì cho ra lò khoảng 200-300kg. Ông Dương Văn Đeo (khu phố Nhơn Hòa 1) chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống làm bánh tráng mấy chục năm nay.

Nghề này khá vất vả, thu nhập không cao như trước đây, chủ yếu lấy công làm lời. Hiện nay, nghề tráng bánh không còn hưng thịnh như trước nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì muốn níu giữ hương vị bánh truyền thống”.

Bánh tráng Nhơn Hòa được làm bằng 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải và mềm, dẻo. Bánh tráng cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm tạo nên mùi vị hấp dẫn là món ăn được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong dịp tết.

Các nhà vườn trên địa bàn Long An tất bật chăm sóc các loại hoa

Tỉ mỉ chăm sóc hoa tết

Tết càng đến gần thì không khí tại các vườn hoa kiểng càng thêm nhộn nhịp. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh tất bật chăm sóc các loại hoa, cây cảnh nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Vườn hoa của anh Nguyễn Văn Tân (thuê đất trồng hoa tại ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đã bắt đầu khoe sắc và sẵn sàng phục vụ tết. Được biết, 3 năm gần đây, cứ khoảng giữa tháng 10 âm lịch, anh Tân từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đến đây thuê đất trồng hoa tết để kiếm thêm thu nhập.

Hiện anh Tân trồng hơn 5.000 chậu hoa vạn thọ và mào gà. Để hoa nở đúng dịp tết và đạt chất lượng, anh mua phân bón thúc, lắp đặt các hệ thống tưới nước để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của hoa. Bằng sự chịu khó, không ngại vất vả, bàn tay khéo léo, anh chăm sóc tỉ mỉ từng chậu hoa với mong muốn “mưa thuận, gió hòa”, hoa nở đúng dịp tết. Năm nay, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng cho vụ hoa tết. Anh chia sẻ: “Đây là thời điểm quan trọng, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch nên tôi chú trọng khâu dưỡng cây và chăm sóc. Hoa sau khi thu hoạch, ngoài bán cho thương lái với số lượng lớn, tôi còn bán lẻ tại vườn và chợ hoa TP.Tân An”.
Cũng như các nhà vườn khác, anh Trần Văn Hiếu (xã Bình Tâm, TP.Tân An) đang hối hả chăm sóc hoa giấy và hoa mai để kịp mang hoa xuân đến mọi nhà. Anh phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, các loại hoa phát triển tốt, dự kiến nở đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, góp phần giúp người dân đón một cái tết vui tươi.

Anh Hiếu chia sẻ: “Để có một chậu hoa đẹp không phải dễ, chúng tôi phải chăm sóc, bón phân, tưới nước, khó nhất là phải canh cho hoa trổ đúng thời điểm. Tôi dự tính, 20 hoặc 22 tháng Chạp sẽ đem hoa ra chợ hoa TP.Tân An để bán”.

Một mùa xuân nữa lại về, các làng nghề truyền thống dường như lan tỏa hơi xuân đến với mọi người, mọi nẻo đường. Những chậu hoa khoe sắc dưới nắng xuân cùng hương thơm ngọt ngào từ bánh, mứt góp phần tô điểm cho bức tranh mùa xuân thêm đặc sắc./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết