Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 15:55

Lặng thầm đón tết

Tết là dịp sum họp gia đình nhưng có nhiều người vì dấn thân với nghề, không được hưởng niềm vui trọn vẹn ấy.

Vì cái tết bình yên cho người dân

“18 năm làm công tác điều tra là ngần ấy thời gian chưa đón tết trọn vẹn với gia đình, nhưng được mang lại bình yên cho nhân dân, chúng tôi cảm thấy rất vui, lấy đó làm động lực phấn đấu” - Phó Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh - Thiếu tá Nguyễn Thanh Cao mở đầu câu chuyện với phóng viên. Theo Thiếu tá Cao, ai cũng muốn đón tết trọn vẹn cùng gia đình nhưng đặc thù của nghề là vậy! Lực lượng công an phải bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ bình yên cuộc sống cho người dân, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm dù đêm hay ngày. Dịp tết, các loại tội phạm tăng, hành vi manh động, liều lĩnh nên nhiệm vụ của công an nặng hơn so với ngày thường. Các chiến sĩ làm việc với áp lực gấp nhiều lần, có thể đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Lực lượng công an ra quân tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự. Ảnh: Lực Nguyễn

Lực lượng công an ra quân tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự. Ảnh: Lực Nguyễn

Thiếu tá Nguyễn Thanh Cao chia sẻ: “Anh em đơn vị luôn sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày tết, lực lượng công an trực 24/24, nếu có vụ án hình sự xảy ra, năm đó xem như không có tết. Quen dần với công việc, anh em tự động viên, cùng nhau xử lý. Điều an ủi nhất với chúng tôi là tìm được cách giải quyết thỏa đáng cho gia đình nạn nhân. Vợ tôi rất hiểu, thông cảm công việc của chồng, luôn là chỗ dựa tinh thần để tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nhớ, cách đây vài năm, có đồng chí mới vào nghề, tết lại vắng nhà, vì thế mà chẳng thể phụ giúp nên gia đình xảy ra lục đục, “cơm không lành, canh không ngọt”. Các đồng nghiệp công tác lâu năm trong ngành đến nhà giải thích, chia sẻ, động viên vợ của đồng chí ấy. Từ đó, gia đình êm ấm và hiện nay, đồng chí ấy luôn hoàn thành tốt công việc. Ngành công an là vậy! Khi khoác lên mình quân phục thì phải sống, chiến đấu, thậm chí hy sinh cho lý tưởng, mang lại bình yên cho nhân dân”.

Bảo đảm thông tin xuyên suốt

Ngày cuối năm, gói ghém gọn gàng chuyến thư cuối cùng, chuẩn bị chuyển đến nơi tiếp nhận, anh Nguyễn Văn Đạt - Bưu cục phát, Bưu điện tỉnh Long An, gạt những giọt mồ hôi, chia sẻ về công việc của anh trong dịp tết. Cũng như đồng nghiệp, anh làm việc đến ngày cuối năm và chỉ được nghỉ tết 2 ngày (mùng 1, 2). Tuy nhiên, ngày nghỉ cũng phải bảo đảm thông tin xuyên suốt, nhất là công văn hỏa tốc từ Trung ương gửi về địa phương, phải được chuyển ngay đến tổ chức, cá nhân theo địa chỉ.

Nhân viên Bưu điện tỉnh luôn bảo đảm thông tin xuyên suốt. Ảnh: Lực Nguyễn

Nhân viên Bưu điện tỉnh luôn bảo đảm thông tin xuyên suốt. Ảnh: Lực Nguyễn

Anh Đạt cho biết: “Chuyến thư cuối cùng trong ngày cuối năm phải được chuyển sớm để cán bộ địa phương gửi về các đơn vị, cá nhân, không để tồn bất cứ lá thư nào. Cận tết, công việc nhiều nên tôi “tăng tốc” so với ngày thường. Thời gian nghỉ tết rất ít nên nhiều lúc, tôi thấy chạnh lòng vì thời gian dành cho gia đình không nhiều. Nhưng, vì yêu nghề cùng với những lời động viên của gia đình mà tôi có thêm động lực bám nghề”. 

Cùng tâm trạng đồng nghiệp, anh Nguyễn Chí Cường tâm sự: “Công việc là vậy nên tôi quen rồi! Năm nào nghỉ tết cũng chỉ được đôi ba ngày nhưng quan trọng, tôi tìm thấy niềm vui với nghề. Mỗi nghề có nỗi niềm riêng nhưng với chúng tôi, chỉ cần giao những lá thư kịp thời là hạnh phúc rồi! Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề chuyển thư mà thôi!”. 

Đón Tết ở bệnh viện 

Đêm giao thừa là thời khắc mọi người sum vầy bên gia đình, người thân. Thế nhưng, nhiều người làm việc trong ngành Y không hưởng được trọn niềm vui mà đón tết trong bệnh viện (BV).

Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa Long An - bác sĩ CKI Bùi Hoàng Hải có 17 năm làm việc tại BV. Suốt khoảng thời gian này, anh đều đón tết trong BV. Theo bác sĩ Hải, nhiệm vụ của khoa là cấp cứu ban đầu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân (BN) nên chúng tôi sẵn sàng cấp cứu người bệnh, bất cứ sớm, khuya hay ngày lễ, tết. Vì vậy, đón tết ở BV trở thành “chuyện thường ngày” với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. 

Để BN được cấp cứu, chăm sóc với điều kiện tốt nhất, Khoa Cấp cứu duy trì các kíp trực 24/24 giờ. Ngày tết làm việc vất vả gấp 3 lần ngày thường. “Dù không sum họp cùng gia đình nhưng những ngày tết, đón năm mới cùng BN tại BV, chúng tôi cũng thấy ấm áp. Bởi chúng tôi xem BN như người thân của mình! Đây còn là trách nhiệm của người khoác áo blouse trắng. Tôi nhớ, năm 2015, số lượng BN cấp cứu trong ngày mùng 2 lên đến 280 người, đa số bị tai nạn giao thông. Ê kíp trực phải làm việc khẩn trương, không có thời gian ăn cơm để chiến đấu, giành giật sự sống cho người bệnh. Mỗi khi có một BN thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” thì nỗi mệt nhọc của chúng tôi cũng vơi đi. Mong rằng, những ngày trực tết năm nay sẽ là kỷ niệm vui chứ không phải nỗi đau vì phải chứng kiến những trường hợp tai nạn thương tâm khiến người bệnh quằn quại trong đau đớn” - bác sĩ Bùi Hoàng Hải bày tỏ.

Không được đón tết cùng gia đình nhưng bác sĩ Lê Ngô Hà My cảm thấy vui vì được giúp đỡ bệnh nhân trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới

Không được đón tết cùng gia đình nhưng bác sĩ Lê Ngô Hà My cảm thấy vui vì được giúp đỡ bệnh nhân trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới

Còn bác sĩ trẻ Lê Ngô Hà My - Khoa Nội phổi thận Bệnh viện Đa khoa Long An, xem ngày tết cũng như ngày thường, thậm chí ngày tết, nhiệm vụ chuyên môn còn căng thẳng hơn vì BN ở lại điều trị đều bị bệnh nặng. Bác sĩ Hà My chia sẻ: “Có nhiều năm, vào giao thừa, tất cả các kíp trực phải lên đường làm nhiệm vụ. Biết rằng, vắng mặt trong thời khắc sum họp gia đình là thiệt thòi nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận và cố gắng làm tròn trách nhiệm. Với tôi, được giúp đỡ BN trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới là niềm hạnh phúc. Có lẽ, đây cũng là niềm vui đặc biệt mà ít người có được”. 

Đường phố sạch, đẹp là tôi vui rồi! 

Khi mọi người, mọi nhà chìm trong giấc ngủ thì những công nhân làm vệ sinh đường phố bắt đầu công việc của mình. Họ cần mẫn, tỉ mỉ quét dọn, làm đẹp cảnh quan đường phố, đô thị, bất kể thời tiết mưa hay nắng. Thông thường, những công nhân này được đơn vị giao phụ trách một đoạn, tuyến đường cố định và phải bảo đảm rằng, ngày mới tuyến mình phụ trách được sạch, đẹp.

Chị Trần Thị Thanh Giang, gần 20 năm gắn bó với công việc vệ sinh đường phố ở TP.Tân An, chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, 9 giờ đêm là tôi xuống đường quét rác và kết thúc công việc lúc 2, 3 giờ sáng ngày hôm sau. Có hôm được nghỉ phép nhưng tôi vẫn chuẩn bị đồ đạc đi làm, ra tới đầu đường mới nhớ mình được nghỉ. Công việc về khuya nhiều lúc đối mặt với nguy hiểm do những tài xế chạy xe ẩu, cướp giật, nên tôi lúc nào cũng phải đề phòng. Dù trời nắng hay mưa, tôi đều phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ để đường phố ngày mới được sạch, đẹp. Đêm 30 tết, người ta ở nhà sum họp gia đình, quây quần bên nhau, còn những công nhân vệ sinh đường phố như chúng tôi chưa bao giờ được cảm nhận cảm giác ấy. Đôi lúc, tôi cũng chạnh lòng nhưng thoáng nghĩ rồi thôi. Tôi may mắn được chồng, con chia sẻ nên luôn ủng hộ, động viên. Nhờ vậy, tôi có thêm động lực hoàn thành công việc sớm hơn để về với gia đình. Đời công nhân quét rác vui, buồn xen lẫn nhưng chỉ cần hôm sau thấy đường phố sạch, đẹp là tôi vui rồi!”. 

Đêm khuya là lúc làm việc của những người “làm đẹp” đường phố (Trong ảnh: Chị Trần Thị Thanh Giang quét rác đoạn gần ngã tư Hùng Vương giao Quốc lộ 62, TP.Tân An)

Đêm khuya là lúc làm việc của những người “làm đẹp” đường phố (Trong ảnh: Chị Trần Thị Thanh Giang quét rác đoạn gần ngã tư Hùng Vương giao Quốc lộ 62, TP.Tân An)

Những ngày cuối năm, khi mọi người tất bật chuẩn bị đón tết thì vẫn có những người đang lặng thầm mang niềm vui đến với mọi người bằng những việc làm thiết thực. Với họ, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi góp một phần nhỏ công sức của mình để cộng đồng có một cái tết ấm cúng, an bình./.

Lực Nguyễn-Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích