Tiếng Việt | English

08/05/2019 - 09:51

Lao động là vinh quang!

Dù làm công việc gì, lĩnh vực nào, chúng ta đều phải lao động nghiêm túc để nuôi sống bản thân, đồng thời thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của mình. Không ngại cực, ngại khổ, nhiều công nhân, nông dân xem lao động là vinh quang và gặt hái nhiều thành công trong công việc.

Chị Bùi Thị Tám (đứng) luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao

Chị Bùi Thị Tám (đứng) luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao

Luôn đặt mục tiêu trong công việc

“Không hài lòng với hiện tại mà luôn học hỏi để nâng cao chất lượng công việc và đề ra mục tiêu cao hơn nhằm có thêm động lực phấn đấu”. Đó là kinh nghiệm làm việc của chị Bùi Thị Tám - Quản đốc Phân xưởng 3, Công ty (Cty) Cổ phần May Xuất khẩu Long An. Gần 30 năm gắn bó với Cty là ngần ấy thời gian chị Tám hết lòng với công việc, dù ở vị trí làm việc nào.

Chị Tám tâm sự: “Từ ngày đầu làm công nhân, tôi xác định làm việc phải có trách nhiệm và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Sau 2 năm làm việc, tôi được bổ nhiệm làm tổ trưởng và tiếp tục phấn đấu đến nay là Quản đốc Phân xưởng 3. Vị trí làm việc càng cao thì nhiệm vụ và trách nhiệm càng lớn. Vì thế, tôi không chỉ nỗ lực hơn trong công việc mà còn quan tâm, tạo điều kiện cho cấp dưới an tâm làm việc, phát huy sáng tạo”.

Với vai trò vừa tham mưu cho ban giám đốc, vừa là người trao đổi trực tiếp với khách hàng, chị Tám luôn chủ động tìm hiểu kiến thức mới trong lĩnh vực may, đặc biệt là tài liệu về kỹ thuật, học hỏi thêm từ khách hàng và nhu cầu xã hội. Nhờ sự cố gắng của mình, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi đạt kết quả như mong đợi, chị Tám tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn để đạt thành tựu mới trong công việc. Đó là một thử thách lớn nhưng cũng là động lực để chị phát huy khả năng.

Trong quá trình làm việc, chị có nhiều ý tưởng hay: Cải tiến khuôn in lụa, tạo khuôn định hình đế túi, cải tiến phương pháp cắt dây các loại,... góp phần tăng thu nhập cho người lao động, thỏa mãn yêu cầu khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian làm ra sản phẩm.

Đối với công nhân, chị Tám không chỉ thuộc tên của gần 300 người mà còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo môi trường làm việc tốt và khuyến khích tinh thần sáng tạo của họ. Chị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tận tình hướng dẫn công việc cho công nhân.

Với nỗ lực của mình, chị Tám đạt nhiều thành tích trong công việc như nhiều năm liền nhận bằng khen của UBND tỉnh, năm 2009 và 2017 nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nỗ lực và sáng tạo

Hăng say lao động, nỗ lực vượt qua khó khăn và luôn tìm những giải pháp mới trong công việc là những đặc điểm nổi bật khi nhắc đến anh Đoàn Quang Vinh - Chủ nhiệm bộ đế lớn Cty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức).

Với sức trẻ và có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước, anh Vinh học hỏi được nhiều kiến thức mới và áp dụng vào thực tế công việc. Khi gặp khó khăn, anh nỗ lực tìm ra giải pháp khắc phục.

Anh Đoàn Quang Vinh luôn yêu nghề và sáng tạo

Anh Đoàn Quang Vinh luôn yêu nghề và sáng tạo

Anh Vinh tâm sự: “Chỉ khi trực tiếp làm việc, chúng ta mới phát hiện ra những khó khăn, bất cập trong sản xuất. Những vấn đề đó thôi thúc tôi suy nghĩ, nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra giải pháp xử lý, trong đó, dao chặt khuôn đế trước đây làm đế giày hay bị phù, do vậy, tôi sáng kiến gia công khuôn dao có rãnh để giày thoát khí không bị phù, góp phần giảm lượng hàng hư, tiết kiệm chi phí liệu”.

Những sáng kiến không quá quy mô hay đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng vừa đủ để khắc phục những hạn chế trong công việc của anh Vinh và các công nhân, góp phần giúp Cty tăng uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí liệu. Anh Vinh nói: “Mình yêu nghề, làm việc bằng cái tâm và luôn vì lợi ích chung thì sẽ được đền đáp xứng đáng với những gì bỏ ra. Đó cũng là cách làm việc mà tôi muốn công nhân học tập theo để tập thể ngày một phát triển”. Nhờ phấn đấu trong lao động, anh Vinh nhận được 2 bằng khen của UBND tỉnh, 1 bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân cũng hăng say lao động. Nhiều nông dân được xem là nông dân thời hiện đại khi họ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham gia hợp tác xã và sản xuất theo hướng VietGAP. Một trong những nông dân đó là anh Phan Thanh Tùng, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa.

Năm 2006, anh Tùng tham gia hợp tác xã. Đó cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt mới trong sản xuất của gia đình anh. Được hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra sản phẩm, anh Tùng từng bước mở rộng diện tích trồng rau và sản xuất theo hướng VietGAP.

Anh Phan Thanh Tùng luôn học hỏi và nỗ lực trong quá trình sản xuất nông nghiệp

Anh Phan Thanh Tùng luôn học hỏi và nỗ lực trong quá trình sản xuất nông nghiệp

Anh Tùng chia sẻ: “Làm theo kiểu truyền thống hiệu quả kinh tế không cao nên tôi quyết định thay đổi cách nghĩ, cách làm. Tôi học hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh, tham gia các lớp tập huấn trồng rau và tự tìm hiểu thông tin trên sách, báo, Internet. Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm và ứng dụng những cái mới, hay vào sản xuất. Nhờ vậy, rau không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn có năng suất cao, góp phần tăng lợi nhuận”.

Hiện anh Tùng đang dần chuyển sang đầu tư trồng rau trong nhà lưới; đồng thời, tiếp tục mua sắm thêm vật tư nông nghiệp để hiện đại hóa quy trình sản xuất của gia đình.

Khi lao động nghiêm túc bằng con tim và khối óc, chúng ta sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng!

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết